Theo tờ Bloomberg, những cao ốc tại Anh có thể xếp ngang hàng với những tòa nhà cao tầng tại Singapore hay New York, với mức giá ngang ngửa những bất động sản tại thành phố San Francisco, bang California. Tuy nhiên, tại một thị trường nhà đất đang trên đà tăng trưởng nóng, Vương quốc Anh dường như vẫn thiếu một thứ gì đó.
Chung cư, hay còn được gọi là nhà phân tầng (ở một số nơi), chính là điều mà Bloomberg đang nhắc tới. Theo các chuyên gia, đây chính là giải pháp giúp lĩnh vực bất động sản nước Anh dần ổn định sau khi chứng kiến đà tăng phi mã kỷ lục.
Theo số liệu của Hiệp hội xây dựng Nationwide Anh, giá nhà trung bình trong tháng 4/2022 đã chạm mức kỷ lục 267.600 bảng, tăng hơn 2.000 bảng so với tháng trước đó. Giá cao chủ yếu được thúc đẩy nhờ nhu cầu chuyển chỗ ở của người dân, bất chấp việc áp lực trong ngân sách hộ gia đình đã giảm sút phần nào lòng tin của họ.
Được biết Mỹ có khoảng 142.000 cộng đồng chung cư, nơi 30 triệu người dân đang sinh sống, theo nghiên cứu của Foundation for Community Association Research. Chuyên gia Lu Xu thuộc Đại học Lancaster, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về sự khan hiếm đến khó hiểu của chung cư Anh, cho biết nước này chỉ có hơn 20 dự án; mỗi dự án chỉ có nhiều nhất vài trăm người ở.
Nước Anh đang khan hiếm chung cư
Vào thời điểm giá nhà đang không ngừng tăng cao, tình trạng khan hiếm này càng trở nên trầm trọng, tới mức các chuyên gia cho rằng, chỉ khi nguồn cung chung cư được cải thiện, quy định mua bán nhà đất mới được đơn giản hoá, từ đó giúp nhiều người có cơ hội mua nhà hơn.
NHỮNG CHÍNH SÁCH CHƯA THỰC SỰ HOÀN THIỆN
Ông Peter Roberts là một trong những người dân Anh đang sống trong căn hộ có chung quyền sở hữu. Ông chia sẻ rằng mình tình cờ khám phá ra kiểu bất động sản này sau một cuộc trò chuyện với người chủ cũ.
Được biết ông Roberts ban đầu sống ở bờ biển phía nam, sau đó quyết định chuyển đến Yorkshire để gần con gái. Ông tìm thấy một căn hộ 2 giường ngủ tại thị trấn chợ Pickering, cách phía đông bắc thành phố York khoảng chừng 40km.
“Sống trong những căn nhà kiểu này khiến chúng tôi cảm thấy khá thích thú’’, ông Roberts chia sẻ.
Theo Bloomberg, hệ thống sở hữu nhà ở tại Anh có thể khiến người nước ngoài ngạc nhiên. Chúng thường được chia thành 3 dạng, bao gồm sở hữu tự do, sở hữu đi thuê và chung cư. Các chủ sở hữu tự do tương tự như những chủ sở hữu nhà ở tại Bắc Mỹ, tức nắm trong tay toàn bộ tài sản và đất đai. Trong khi đó, sở hữu đi thuê có quyền được sống trong một khoảng thời gian nhất định tại các căn hộ thông qua hợp đồng thỏa thuận với chủ sở hữu tự do. Chung cư tại Anh cũng giống chung cư tại Mỹ, tức người mua sở hữu các căn hộ riêng lẻ, song không phổ biến bằng.
Ông Peter Roberts là một trong những người dân Anh đang sống trong căn hộ có chung quyền sở hữu
Các quy tắc về nhà ở tại Anh hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình công nghiệp hóa vào thế kỷ 19. Chính vì vậy, những ngôi nhà tại Anh cần một bộ quy tắc mới, nhất là trong bối cảnh cuộc sống đô thị với mật độ dân cư dày đặc.
“Chúng tôi có những dinh thự lớn, cổ kính từ thời Victoria, được xây dựng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau và thích hợp với những gia đình đông người. Chúng cũng phù hợp để cho thuê lại nữa’’, ông Susan Bright, Giáo sư luật đất đai tại Đại học Oxford cho biết. “Vấn đề ở chỗ là nếu bạn muốn bán, bạn sẽ dùng cơ chế pháp lý nào để bán một căn hộ như vậy?. Chúng tôi không có bất kỳ quy định nào cho việc đó’’.
Ngoài ra, các chính sách quy định trách nhiệm thanh toán phí bảo trì và sửa chữa chung cư cũng chưa hoàn thiện. Các chủ sở hữu đi thuê đã giải quyết được phần nào, song tài sản cuối cùng vẫn thuộc sở hữu và kiểm soát của chủ sở hữu tự do.
Được biết, một số nhà phát triển tại Anh còn tận dụng tiền thuê mặt bằng của các chủ sở hữu đi thuê để biến căn hộ thành tài sản tạo ra thu nhập. Trong một số trường hợp, những ngôi nhà này sẽ được bán với giá cao gấp đôi sau mỗi thập kỷ và khiến người mua hoàn toàn mất khả năng chi trả. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh sau đó đã phải tái điều tra các khoản hợp đồng không hợp lý để trả lại công bằng cho người dân.
MONG MUỐN AI CŨNG CÓ NHÀ ĐỂ Ở
Hồi năm 2017, ngọn tháp 27 tầng Grenfell nằm tại quận White City, London, Anh bất ngờ bốc cháy dữ dội. 200 lính cứu hỏa và 50 phương tiện chữa cháy đã có mặt ngay tại hiện trường để dập tắt đám cháy.
Thảm kịch tại toà tháp 27 tầng Grenfell nằm tại quận White City, London, Anh
Thảm kịch kinh hoàng khiến 72 người thiệt mạng này sau đó đã khiến giới chức Anh đặt ra câu hỏi: Nếu một tòa nhà cho thuê được xây dựng bằng vật liệu không thực sự an toàn, vậy ai trong số các chủ đầu tư, chủ sở hữu tự do, chủ sở hữu đi thuê hay chính phủ mới là người chi trả phí bảo trì?
Theo Bloomberg, Anh hiện có khoảng 3 triệu người dân đang phải sống trong những khu vực chưa thực an toàn. Chính phủ theo đó đã gây áp lực buộc các nhà phát triển đóng góp hàng tỷ bảng Anh để tài trợ cho chi phí bảo trì đắt đỏ.
Đầu năm nay, Quốc hội cũng đã thông qua luật cấm các nhà phát triển tính tiền thuê mặt bằng đối với các bất động sản mới, đồng thời loại bỏ một số động cơ không phù hợp khi xây dựng bất động sản cho thuê. Ngoài ra, bắt đầu từ cuối tháng 5, các đại lý bất động sản tại Anh cũng được yêu cầu phân loại rõ các loại hình bất động sản, bao gồm sở hữu tự do, sở hữu đi thuê và chung cư.
“Chúng tôi muốn thấy nhiều người dân có cơ hội được sở hữu ngôi nhà của riêng mình. Mong rằng họ có thể tận hưởng chúng một cách trọn vẹn và cảm thấy tự tin rằng những ngôi nhà đó thực sự là của họ”, Bộ trưởng Ngoại giao về An toàn Xây dựng Lord Stephen Greenhalgh cho biết.
Chính phủ Anh mong muốn mọi người dân đều có cơ hội sở hữu ngôi nhà của riêng mình
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc chuyển hướng sang mô hình chung cư kiểu Mỹ có thể sẽ không giúp ích cho lĩnh vực bất động sản tại Anh, và rằng sự thay đổi cơ bản về cách thức sở hữu tài sản nên được thực hiện từ từ thay vì vội vã như hiện nay.
Dẫu vậy, nếu thành công, thị trường nhà đất tại Anh vẫn được kỳ vọng có thể ổn định trở lại. Giá nhà được dự báo sẽ giảm 3% trong năm 2023 và 1,8% vào năm 2024, do lãi suất vay thế chấp cao hơn, theo Andrew Wishart – chuyên gia kinh tế tại Capital Economics. Còn ở thời điểm hiện tại, hoạt động thị trường nhà ở vẫn đang ở mức “vững chắc” nhờ sự phục hồi của thị trường lao động, tăng trưởng việc làm và đà sụt giảm của tỷ lệ thất nghiệp.
Theo: Bloomberg, CNBC
https://babfx.com/nguyen-nhan-nuoc-anh-khan-hiem-chung-cu-mot-cach-kho-hieu-ca-nuoc-chi-co-20-du-an-20220524160459142.chn
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Để lại một phản hồi