Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm nay cho biết các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-1 và Sakhalin-2 ở Nga “cực kỳ quan trọng” đối với nguồn cung năng lượng ổn định của đất nước và Tokyo không có ý định rút khỏi dự án.
Tuyên bố của ông Matsuno được đưa ra sau khi Nhật Bản quyết định loại bỏ dần nhập khẩu dầu của Nga, liên quan đến cam kết của G7 về cấm nhập khẩu hoặc loại bỏ dầu mỏ Nga nhằm gây áp lực lên Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Về nguyên tắc, Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, đó là quyết định rất khó khăn. Nhưng sự phối hợp của G7 là quan trọng nhất vào thời điểm như bây giờ”, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói.
“Về thời điểm cắt giảm hoặc ngừng nhập khẩu dầu Nga, chúng tôi sẽ xem xét trong khi đánh giá tình hình thực tế. Chúng tôi sẽ dành thời gian để thực hiện các bước hướng tới loại bỏ dần dần”, Thủ tướng Nhật nói thêm.
Dự án phát triển dầu khí Sakhalin-1 nằm ngoài khơi đảo Sakhalin ở Viễn Đông Nga, được điều hành bởi Exxon Neftegas, công ty con của tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil, với 30% cổ phần. Các đối tác khác của dự án là tập đoàn Nhật Bản SODECO chiếm 30% cổ phần, công ty Ấn Độ ONGC Videsh chiếm 20% và công ty dầu khí Nga Rosneft chiếm 20%.
Sakhalin-2 là dự án LNG ngoài khơi đầu tiên của Nga. Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản nắm giữ 12,5% cổ phần còn tập đoàn Mitsubishi giữ 10%. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga nắm 50% cổ phần.
Thủ tướng Nhật hồi cuối tháng 3 cho biết Sakhalin-2 là dự án cực kỳ quan trọng về mặt an ninh năng lượng, bởi nó góp phần tạo ra LNG giá rẻ, ổn định và lâu dài. Dù vậy, ông Kishida cam kết sẽ nỗ lực phối hợp với nhóm G7 để giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Trong hơn một thập kỷ, Nhật Bản đã sử dụng khí đốt của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, Nga cung cấp 3,6% dầu thô và 8,8% LNG tại nước này năm 2021.
Dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng nhập khẩu LNG tại Nhật, khí đốt của Nga có giá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường giao ngay. LNG chiếm 1/4 tổng năng lượng hỗn hợp tại Nhật và tạo ra 36% điện năng của đất nước.
Theo đại diện cơ quan năng lượng, Nhật Bản sẽ phải chi thêm 3.000 tỷ yen (25 tỷ USD) trong trường hợp nước này buộc phải thay thế LNG của Nga bằng khí đốt trên thị trường giao ngay.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nhật Bản đã áp các biện pháp trừng phạt với Nga, bao gồm bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, trục xuất các nhân viên ngoại giao và ngừng nhập khẩu than Nga. Moskva hôm 4/5 thông báo cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với 63 công dân Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Kishida. Ông đã Kishida chỉ trích lệnh cấm này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Huyền Lê (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi