Nhiều “đại bàng Mỹ” bày tỏ muốn đầu tư, mở rộng vào Việt Nam

Trong chuyến thăm, làm việc chiều ngày 17/5 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn Intel, Apple và Google, CEO Apple Tim Cook cho biết, Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

CEO này cũng khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới. Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ phát triển kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch điều hành Khối sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel, ông Keyvan Esfarjani, nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của Intel, cũng như vai trò của nhà máy Việt Nam. Intel đánh giá cao điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực… của Việt Nam và đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động.

Tập đoàn này cho rằng nhu cầu về các sản phẩm bán dẫn sẽ rất lớn khi thế giới phát triển những công nghệ mới gắn với dữ liệu lớn. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Intel muốn hài hòa nguồn cung ứng bằng việc mở rộng đầu tư ở nhiều nơi.

Ông Sandy Gupta, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Microsoft lại nhận định, Việt Nam có dân số trẻ, đất nước năng động, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Microsoft mong muốn xây dựng kỹ năng số cho mọi người cả khối tư nhân, nhà nước; phát triển khoa học dữ liệu tại Việt Nam.

Nhiều đại bàng Mỹ bày tỏ muốn đầu tư, mở rộng vào Việt Nam - Ảnh 1.

Hiện Microsoft đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai các chương trình này, trong đó có công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch và tin cậy, phòng, chống tham nhũng.

Microsoft bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam chuyển đổi số; đảm bảo an ninh mạng; giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050; góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.

Tại toạ đàm, lãnh đạo Amphenol Corporation, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla… cũng tiết lộ mong muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam và rất muốn được thông tin thêm về các biện pháp thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Chính phủ Việt Nam.

Nhiều đại bàng Mỹ bày tỏ muốn đầu tư, mở rộng vào Việt Nam - Ảnh 2.

Giải đáp về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 dựa trên 3 trụ cột chính là xóa bỏ quan liêu, bao cấp; thực hiện đa sở hữu; và hội nhập. Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD).

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào tương lai ngày càng phát triển của đất nước.

Hiện, Việt Nam đang tập trung xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất con người Việt Nam.

Về mục tiêu phát triển, đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Việt Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, toàn diện và kêu gọi hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cũng đang tập trung vào 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống hạ tầng; và phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng cũng đánh giá, kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực và được nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013.

Để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.

Thứ hai, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng chuyển đổi số (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế… để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Thứ ba, Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đổi số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, để người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam cũng đã kiểm soát dịch bệnh thành công, nhờ đó mà người dân trong nước và cả người nước ngoài được bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, người nước ngoài được đối xử như người Việt Nam, trong đó các chuyên gia nước ngoài được ưu tiên. Việc kiểm soát dịch bệnh thành công cho thấy Việt Nam cũng có hạ tầng y tế tương đối bảo đảm và nhờ đó, chẳng hạn, người Mỹ có thể điều trị bệnh ngay tại Việt Nam mà không phải trở về nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh lợi thế khác của Việt Nam là người lao động chịu khó, tuân thủ kỷ luật lao động và luật pháp.

Cũng nhân sự kiện này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Thủ tướng cũng thực hiện nghi thức bấm nút rung chuông kết thúc phiên giao dịch trong sự chào đón nồng nhiệt của các nhà đầu tư với những tràng pháo tay kéo dài.

KKR – quỹ thứ 2 làm việc với Thủ tướng tại Mỹ: đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, lãi lớn với Masan, Vinhomes

https://babfx.com/nhieu-dai-bang-my-bay-to-muon-dau-tu-mo-rong-vao-viet-nam-20220520092906462.chn

Theo Thái Quỳnh

Nhịp Sống Kinh tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*