“Chúng tôi tự nhận mình là chuột trũi vì sống dưới lòng đất”, Kateryna Talpa, 35 tuổi, quản lý một tổng đài cuộc gọi, người sống trong hệ thống tàu điện ngầm ở Kharkov từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, nói.
Talpa sống dưới nhà ga “Anh hùng Lao động” ở quận Saltivka, một trong những nơi thiệt hại nghiêm trọng nhất do pháo kích ở thành phố lớn thứ hai Ukraine. Đầu đội mũ len, mặt nhợt nhạt vì cớm nắng, Talpa thừa nhận sống trong sân ga dưới lòng đất không hề dễ dàng.
“Ai cũng mệt mỏi. Hãy nhìn xem chúng tôi đang sống với tiện nghi như thế nào”, cô nói, chỉ vào các tấm đệm mút phủ ga trên mặt đất, thức ăn trong thùng carton.
Talpa và chồng, Yuriy, đã quen với cuộc sống trong nhà ga trang trí theo phong cách Liên Xô. Marek và Sima, hai con mèo của cô, tỏ ra khá thoải mái. “Ban đầu chúng khó chịu, nhưng giờ đã quen rồi”, Talpa cho hay.
Khoảng 200 người vẫn ngủ đêm trong nhà ga, ít hơn nhiều so với mức đỉnh 2.000 khi người dân thành phố ngủ lại bất kỳ đâu còn chỗ trống, kể cả bên trong toa tàu điện ngầm.
Khi chiến dịch tấn công Kharkov của Nga ở giai đoạn ác liệt nhất, mùi hôi và ẩm thấp dưới ga tàu điện rất khó chịu. “Ngày trước tôi không bao giờ ốm thế mà ở đây tôi đã viêm phế quản suốt một tháng”, cô nói.
Ukraine những ngày gần đây tuyên bố đẩy lùi lực lượng Nga ở Kharkov. Giới chuyên gia đánh giá Nga bắt đầu rút quân khỏi Kharkov từ đầu tháng để tập trung kiểm soát Donbass ở miền đông Ukraine, phía nam Kharkov.
Tuy nhiên, vợ chồng Talpa vẫn từ chối rời đi. Dù các cuộc pháo kích vào Kharkov đã giảm mạnh, Talpa vẫn không yên tâm vì “họ không bị đẩy lùi đủ xa”.
“Chúng tôi vẫn nằm trong tầm bắn của pháo. Chiến sự chưa dừng hẳn. Tôi rất sợ quay lại nhà. Kharkov hôm qua vừa bị oanh tạc. Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ giữa ban ngày. Một số người đã quay lại đây ngủ vì không ngủ nổi ở nhà”, Talpa nói.
“Chẳng nơi nào an toàn hơn ga tàu điện ngầm. Ngay cả tầng hầm dưới chung cư cũng không an toàn”, cô nói thêm.
Tuy nhiên, Yulia Fedianina, 33 tuổi, quản lý nhà ga, bày tỏ “mọi người cần phải rời đi để chúng tôi cho hệ thống tàu điện ngầm hoạt động lại. Để họ di chuyển, cần phải tư vấn tâm lý”.
Gennadiy, 77 tuổi, đã về hưu, là một trong số những người từ chối rời đi. “Không có nơi nào an toàn ở Ukraine cả. Bây giờ mọi việc đang lắng xuống nhưng ai biết ngày mai lại phát sinh chuyện gì”, ông nói.
“Ở trong ga tàu điện ngầm không ai bị thương nhưng ngoài kia, có rất nhiều người chết. Chúng tôi muốn giữ mạng”, người đàn ông sống ở đây cùng vợ từ 24/2, giải thích.
Vài ngày gần đây, hai người bắt đầu lên mặt đất đi dạo khi không có pháo kích. Gennadiy thừa nhận “là đàn ông nhưng khi chứng kiến quang cảnh bên trên, tôi chỉ muốn khóc. Chúng tôi không còn người thân để tới tá túc. Tôi đã làm gì nên tội cơ chứ?”
Khi các cuộc tấn công đã giảm, chính quyền thành phố đang nỗ lực khôi phục một số hoạt động bình thường.
“Chúng tôi không muốn ép buộc người dân rời đi nhưng muốn hệ thống tàu điện ngầm hoạt động lại trong hai tuần”, Igor Terekhov, thị trưởng Kharkov, nói. “Chúng tôi đang tìm chỗ ở thích hợp cho họ”.
Larisa Nistirenko, 54 tuổi, được sắp xếp chuyển tới ký túc xá sinh viên trong khu vực an toàn của thành phố.
“Sống dưới ga tàu rất khổ, không chỗ tắm, nhiệt độ thì lạnh. Ở đây chúng tôi có giường, có đệm, có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, có bếp và thức ăn nữa”, bà nói trong căn phòng ở cùng con gái và cháu ngoại.
Ngừng một lát, bà lại khóc vì nhớ về ngôi nhà đã bị phá hủy. “Chúng tôi chẳng còn gì, chẳng có nơi nào để đi”, Nistirenko nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi