Nông dân Ấn Độ lao đao vì lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ

Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới, nhưng New Delhi ngày 14/5 áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này với lý do bảo vệ an ninh lương thực cho đất nước, bất chấp lo ngại động thái này có thể khiến thế giới rơi vào cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng.

Quyết định của Ấn Độ, cùng với việc thiếu nguồn cung từ Nga và Ukraine, hai trong số 5 quốc gia xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, đã đẩy giá lúa mỳ lên mức cao nhất lịch sử trên các sàn giao dịch hàng hóa ở Chicago và châu Âu.

Nông dân Ấn Độ thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở ngoại ô Amritsar, bang Punjab, ngày 12/4. Ảnh: AFP

Nông dân Ấn Độ thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở ngoại ô Amritsar, bang Punjab, ngày 12/4. Ảnh: AFP

Nhưng tại chợ ngũ cốc lớn nhất châu Á ở Khanna, bang Punjab, nơi được coi là “vựa bánh mỳ” của Ấn Độ, giá lúa mỳ lại đi theo chiều hướng khác.

Mỗi năm, hàng nghìn nông dân từ các vùng trồng lúa mỳ tới đây bán hàng. Chợ có hàng chục kho chứa khổng lồ, mỗi kho to bằng sân bóng đá.

Lúa mỳ từng được bán với giá 2.300 rupee (30 USD)/tấn, nhưng khi lệnh cấm xuất khẩu được ban hành, giá đã giảm xuống còn 2.015 rupee, mức giá sàn do chính phủ quy định để thu mua ngũ cốc.

Tình cảnh này khiến hàng trăm triệu hộ nông dân trồng lúa mỳ ở Ấn Độ càng thêm lao đao, sau khi chịu tác động trực tiếp của thời tiết nắng nóng bất thường.

Năm nay, Navtej Singh thu hoạch được 60 tấn lúa mỳ. Ông tích trữ một nửa với hy vọng bán được giá hời khi thị trường khan hàng, nhưng lệnh cấm xuất khẩu khiến ông không kịp trở tay, vội vàng bán tháo số hàng tồn.

“Lệnh cấm này gây sốc”, Singh nói. “Giá giảm xuống mức thấp nhất, thậm chí không bù nổi chi phí ban đầu chúng tôi đã bỏ ra. Tôi không thể đợi được nữa, phải bán ngay”.

Ông cho rằng giới chức không tham khảo ý kiến nông dân và ra quyết định mang tính “ích kỷ”. “Vụ năm nay chúng tôi đã thiệt hại nặng vì giảm sản lượng. Lệnh cấm càng khiến cuộc sống của chúng tôi khó khăn hơn”, ông nói.

Trước khi nắng nóng tấn công Ấn Độ và Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, sản lượng lúa mỳ của Ấn Độ năm 2021 là 109 triệu tấn và xuất khẩu 7 triệu tấn. Ấn Độ đã dự kiến tăng cả sản lượng thu hoạch và xuất khẩu lúa mfy trong năm nay.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng trước thậm chí còn muốn “cung cấp lúa mỳ cho cả thế giới” khi lương thực khan hiếm do xung đột ở Ukraine. Nhưng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn đã ảnh hưởng tới vụ mùa tại Ấn Độ. Khi nắng nóng tấn công Punjab, sản lượng lúa mỳ của Ấn Độ thấp hơn 4 triệu tấn so với dự kiến.

Chính quyền các cấp ở Ấn Độ đang giảm thu mua lúa mỳ cho hệ thống phân phối của nhà nước, nơi cung cấp ngũ cốc miễn phí hoặc trợ giá cho gần 800 triệu người, trong bối cảnh chương trình an ninh lương thực trong đại dịch bị cắt giảm.

Tuy nhiên, giá bán lẻ bột mỳ vẫn ở mức cao nhất trong 12 năm. Manish Pajni, người đứng đầu bộ phận thu mua ngũ cốc của chính quyền bang Punjab tại Khanna, ủng hộ lệnh cấm xuất khẩu với lý do giá bán buôn có thể lên tới 3.000 rupee/tấn nếu chính quyền không can thiệp.

Công nhân vác bao tải lúa mỳ lên xe tải trong một kho hàng ở Khanna, bang Punjab, ngày 18/5. Ảnh: AFP

Công nhân vác bao tải lúa mỳ lên xe tải trong một kho hàng ở Khanna, bang Punjab, ngày 18/5. Ảnh: AFP

Raj Sood, một thương lái lúa mỳ, cho rằng chính phủ nên theo dõi và phân tích tình hình, thay vì áp lệnh cấm xuất khẩu bất ngờ và gây xáo trộn thị trường.

“Thị trường đã phải chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng mất mùa, trong khi chính phủ lại ban lệnh cấm thiếu cân nhắc như vậy”, Sood nói. “Chắc chắn là những nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu như Cargill, ITC và Glencore sẽ chịu thiệt hại lớn. Nhưng lái buôn nhỏ lẻ, nông dân cũng bị ảnh hưởng”.

Nhiều thương nhân ở Khanna cho rằng biện pháp này chỉ có tác dụng nhất thời vì thị trường không thể tránh khỏi quy luật cung cầu. Chủ nhà máy sản xuất bột mỳ Divender Verma thường mua nguyên liệu từ kho của chính phủ, nhưng cho hay nguồn cung giờ đây đang ở mức tối thiểu.

“Bây giờ chúng tôi không hy vọng họ sẽ cung cấp hàng nữa. Nguồn cung lúa mỳ sắp tới sẽ bị siết chặt”, Verma nói. Các đầu mối tư nhân sẽ tính giá đắt hơn, khiến giá bánh mỳ và các mặt hàng làm từ lúa mỳ tiếp tục tăng.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*