Phụ huynh Trung Quốc săn nhà London cho con

Wang Yucheng mua căn hộ hai phòng ngủ ở khu vực Canary Wharf tại London giá 650.000 bảng (803.000 USD) năm 2020 bằng tiền của bố mẹ chuyển qua tài khoản một ngân hàng Hong Kong. Cô gái 22 tuổi đang theo học Đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị London.

Tòa nhà Centre Point ở trung tâm London, nơi một sinh viên Trung Quốc 18 tuổi chuyển vào sống trong căn hộ hai phòng ngủ rộng 117 m2 trị giá 6,12 triệu USD năm 2018. Ảnh: Savills

Tòa nhà Centre Point ở trung tâm London, nơi một sinh viên Trung Quốc 18 tuổi chuyển vào sống trong căn hộ hai phòng ngủ rộng 117 m2 trị giá 6,12 triệu USD năm 2018. Ảnh: Savills

Bố mẹ Wang đều làm việc trong ngành đầu tư ở Trung Quốc, nhận thấy mua nhà ở London cho con gái, người sống ở Anh từ năm 2018, tốt hơn là đi thuê.

“Một nửa số sinh viên Trung Quốc mà tôi quen biết đều cân nhắc mua một căn hộ thay vì thuê”, Wang nói. “Nếu sống ở đây vài năm mà đi thuê thì không hợp lý”.

Theo dữ liệu Dịch vụ Tuyển sinh Các trường Đại học và Cao đẳng, có 28.930 sinh viên Trung Quốc đăng ký du học ở Anh trước tháng 1, tăng so với năm ngoái là 25.810 người. Số sinh viên Trung Quốc xin nhập học nhiều hơn tất cả sinh viên từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay Wales hoặc Bắc Ireland.

Anh là nơi đào tạo đại học được sinh viên Trung Quốc ưa thích nhất, xếp thứ hai là Mỹ, theo khảo sát của công ty Hurun Trung Quốc năm 2022. Số lượng người giàu ở Trung Quốc gia tăng khiến ngày càng nhiều người tham gia thị trường bất động sản đắt đỏ tại London.

Trong quá trình tìm nhà cho con, phụ huynh Trung Quốc dường như sẵn sàng gạt bỏ khó khăn trước mắt như hạn chế đi lại do Covid-19, giới hạn mức chuyển tiền khỏi Trung Quốc hàng năm, và cả nguy cơ tiềm ẩn từ tình hình bất ổn trên thế giới.

Sebastian Wang, giám đốc đại lý bất động sản Hanker Business Consultancy, cho hay số người tìm mua nhà đang tăng lên. “Nhu cầu mua căn hộ ở London của người Trung Quốc vẫn rất mạnh và không bị Covid hay xung đột ảnh hưởng”, ông nói.

Từ tháng 1/2020 tới tháng 8/2021, số lượng bất động sản ở London thuộc sở hữu của cá nhân ở Trung Quốc tăng 24,4%. Theo dữ liệu của công ty bất động sản Beauchamp Estates, người Hong Kong và Trung Quốc đại lục chiếm 40% lượng khách mua bất động sản trị giá hơn 12,25 triệu USD ở London năm ngoái.

London lâu nay là thỏi nam châm hút tiền từ khắp thế giới, đặc biệt là bất động sản. Có nhiều yếu tố thúc đẩy người Trung Quốc mua nhà tại Anh, như giá trị ngày càng tăng. Hơn 100.000 người Hong Kong nộp đơn xin chuyển tới Anh sinh sống theo chương trình thị thực đặc biệt cũng là yếu tố khiến giá nhà tăng.

Tại Trung Quốc đại lục, chính quyền đã thông qua quy định giới hạn số lượng sinh viên vào đại học và cấm dạy thêm. Một bộ phận phụ huynh phải chuyển hướng cho con học trường nghề hoặc sang nước ngoài nếu đủ điều kiện.

“Phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người không muốn con đi học trường nghề, đang gửi con tới Anh du học”, Sebastian Wang nói.

Tuy nhiên, mua bất động sản tại London những năm gần đây rất khó khăn. Hạn chế di chuyển trong thời kỳ đại dịch khiến khách hàng tiềm năng khó tới Anh và một số người đã ngỏ ý mua nhà mà không cần đến xem, Wang cho hay.

Để hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài, chính phủ Trung Quốc năm 2017 ra quy định giới hạn số ngoại tệ mà một cá nhân được mua trong năm là 50.000 USD, khiến việc chuyển các khoản tiền lớn ra nước ngoài khó khăn hơn. Một số người mua nhà đã dùng nền tảng mạng xã hội như WeChat để kết nối với người sống ở nước ngoài và chuyển tiền cho họ.

Wang Yucheng cho hay nhiều người đã lên kế hoạch trước từ lâu, chuyển tối đa số ngoại tệ mua được sang bảng Anh hàng năm để góp đủ tiền mua. Một số bạn cùng lớp của cô đã thực hiện chiến lược này từ khi mới lên đại học, thậm chí mới vào trung học.

Xung đột Nga – Ukraine khiến Anh áp lệnh trừng phạt lên các tỷ phú Nga và việc này khiến một số khách hàng Trung Quốc lo lắng. Leeann Li, chủ một công ty quảng cáo ở Quảng Châu, đã mua một căn hộ hai phòng ngủ ở Nine Elms, London năm 2019 với giá 866.000 USD để cho hai con gái tới Anh du học.

Li tuyên bố sẽ không mua nữa vì các lệnh trừng phạt gần đây lên giới tài phiệt Nga và xung đột Ukraine khiến bà lo lắng châu Âu sẽ không còn là nơi đầu tư bất động sản an toàn nữa.

“Chúng tôi thích mua nhà tại các nước phát triển vì tin vào tính ưu việt của cơ chế nhà nước, trong đó có quyền bất khả xâm phạm tài sản tư nhân”, Li nói, “nhưng cách mà Mỹ và châu Âu đóng băng rồi tịch thu tài sản của Nga bằng các lệnh trừng phạt khiến tôi rất sốc”.

Li cho hay trong tương lai sẽ đầu tư vào bất động sản Trung Quốc. “Tôi đã đầu tư nhiều nơi và nhận ra Trung Quốc là nơi an toàn nhất”, bà bày tỏ.

Tuy nhiên, các đại lý bất động sản vẫn lạc quan về sự quan tâm của phụ huynh Trung Quốc với trị trường London.

“Thị trường bất động sản ở London luôn được coi là nơi cực kỳ an toàn để đầu tư khi thị trường toàn cầu đang biến động như hiện nay”, giám đốc điều hành Beauchamp Estates, Jeremy Gee cho biết. “Người mua Trung Quốc có xu hướng tìm đến thị trường siêu cao cấp ở trung tâm thủ đô London. Đó vẫn sẽ là xu hướng trong những năm tới”.

Hồng Hạnh (Theo Bloomberg)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*