Startup giá 1 USD lên Shark Tank gọi vốn, bị Shark nhận xét “quá tầm thường”: Sau vài năm thành thương hiệu trị giá 200 triệu USD

Khi đẩy chiếc xe chứa đầy những hộp hỗn hợp làm bán pancake (loại bánh làm từ bột mì, trứng, sữa và bơ, thường được chế biến trên chảo), gõ cửa từng nhà trong khu phố để bán hàng, cậu bé 8 tuổi Joel Clark không tưởng tượng được rằng đó là khởi đầu của Kodiak Cakes, thương hiệu sau này có trị giá gần 200 triệu USD.

Kodiak Cakes là hỗn hợp làm pancake từ nguyên liệu thực vật, lành mạnh hơn so với nguyên liệu truyền thống. Joel Clark, đồng sáng lập kiêm CEO của công ty, cũng chính là cậu bé 8 tuổi năm nào.

Thực tế, Kodiak Cakes được phát triển từ công thức nấu ăn của mẹ Joel Clark, người luôn hứng thú với việc chế biến những món lành tính, khỏe mạnh cho các thành viên trong gia đình.

Startup giá 1 USD lên Shark Tank gọi vốn, bị Shark nhận xét quá tầm thường: Sau vài năm thành thương hiệu trị giá 200 triệu USD - Ảnh 1.

Quay lại quá khứ, năm 1994, Jon Clark, anh trai của Joel, quyết định đưa hỗn hợp chế tạo món bánh pancake do mẹ anh sáng tạo ra thành sản phẩm kinh doanh nghiêm túc. Jon đề nghị Joel giúp đỡ. Sản phẩm lành mạnh, không biến đổi gene của họ nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.

Năm 1997, Jon đạt được thỏa thuận với QFC Groceries, chuỗi tạp hóa đầu tiên bán Kodiak Cakes. Tuy nhiên tốc độ bán hàng khá chậm chạp, hai năm đầu tiên doanh thu chưa tới 30.000 USD. Điều này khiến Jon nản lòng bởi anh cần tiền lo cho gia đình nhỏ của mình. Khi đó anh đề nghị bán lại startup cho Joel với giá chỉ 1 USD và Joel đồng ý tiếp quản.

Với mong muốn mở rộng kinh doanh, Joel tìm cách để sản phẩm được bán tại nhiều siêu thị và cửa hàng tạp hóa hơn bằng cách gửi cho họ một số mẫu miễn phí. Năm 2004, Joel đạt thành công bước đầu khi Kodiak Cakes được bán tại 1.200 cửa hàng của Safeway, đem lại doanh thu 150.000 USD. Đến năm 2013, Kodiak Cakes đạt doanh thu hơn 3,5 triệu USD và có mặt trên kệ hàng của chuỗi siêu thị Target.

1 năm sau đó, Joel và Cameron Smith, Giám đốc hoạt động của công ty quyết định tham gia Shark Tank để gọi vốn và mở rộng kinh doanh. Mặc dù đã dùng hỗn hợp tạo ra loại pancake thơm ngon để “câu” các “cá mập” của chương trình nhưng tiếc thay, Kodiak Cakes không thành công.

Joel đề nghị khoản đầu tư 500.000 USD cho 10% cổ phần công ty. Thời điểm đó, 2 người đứng đầu tiết lộ rằng họ đã có thể vào được chuỗi siêu thị Target. Đơn đặt hàng ban đầu tại Target là 260.000 USD nhưng cặp đôi dự đoán con số này sẽ sớm vượt 1 triệu USD trong năm tiếp theo. Họ cần một khoản đầu tư từ các Shark để mở rộng thị trường, cũng như được hỗ trợ trong mảng marketing và tiếp thị sản phẩm.

Startup giá 1 USD lên Shark Tank gọi vốn, bị Shark nhận xét quá tầm thường: Sau vài năm thành thương hiệu trị giá 200 triệu USD - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Shark Kevin O’Leary không hứng thú với những con số ấy. Ông cho rằng sản phẩm của họ quá tầm thường, và dễ dàng bị những ông lớn trong ngành đè bẹp. Dù vậy, Shark đưa ra cho cặp đôi đề nghị 500.000 USD đổi lấy 50% cổ phần công ty, mức cổ phần cao đến mức “bạn cùng bể” Robert Herjavec gọi đó là “thỏa thuận với quỷ dữ”.

Robert Herjavec đưa ra đề nghị dễ chịu hơn Kevin O’Leary: 500.000 USD để đổi lấy 35% cổ phần.

Một trong 2 cá mập nữ của chương trình, Shark Barbara Cocoran đề nghị 250.000 USD đổi lại 20%, nhưng cặp đôi sẽ phải thuyết phục cá mập thứ hai đầu tư thêm 250.000 USD. Lúc này Shark Kevin O’Leary tiếp tục đề nghị tham gia cùng nhưng ông muốn 250.000 USD cho 25% cổ phần, nâng mức tổng đầu tư của các cá mập là 500.000 USD cho 50%.

Hai cá mập còn lại nhanh chóng rời bể vì Shark Lori Greiner nói rằng cô ấy không thích bánh pancake. Trong khi đó, Shark Mark Cuban cảm thấy thương hiệu này này sẽ gặp nhiều trở ngại từ các đổi thủ trong ngành và cùng quyết định không đầu tư.

Như vậy, trong tay những người đứng đầu Kodiak Cakes còn lại 2 đề nghị đầu tư: Kevin O’Leary tham gia cùng với Barbara, với tổng giá trị 500.000 USD cho 50%. Robert Herjavec đầu tư một mình với 35% cổ phần tương đương 500.000 USD.

Cuối cùng, cặp đôi từ chối cả hai lời đề nghị. Họ cảm thấy mức định giá các cá mập đưa ra quá thấp và bỏ đi mà không có thỏa thuận nào với Shark.

Startup giá 1 USD lên Shark Tank gọi vốn, bị Shark nhận xét quá tầm thường: Sau vài năm thành thương hiệu trị giá 200 triệu USD - Ảnh 3.

Tuy Kodiak Cakes không nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào từ Shark Tank, nhưng bù lại, công ty đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ phía người tiêu dùng. 6 tuần sau khi chương trình phát sóng, họ kiếm được 1 triệu USD doanh thu.

Thời tới cản không kịp, sau đó, Joel và Cameron quyết định ra mắt một dòng sản phẩm mới chứa nhiều protein, không biến đổi gene. Lúc này, chế độ ăn uống giàu protein và phong trào thể dục thể thao đang tăng mạnh, do đó, sản phẩm mới được đón nhận nhiệt tình.

Thời điểm hiện tại, Kodiak Cakes có hàng chục sản phẩm khác nhau với doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD. Năm 2019, Kodiak Cakes đạt doanh thu 160 triệu USD. Năm 2020, doanh thu của công ty xấp xỉ 200 triệu USD.

Tháng 5/2021, cặp đôi bán lại công ty cho quỹ đầu tư L Catterton với số tiền không được tiết lộ. Tuy nhiên theo cập nhật đến tháng 11/2021, cả Joel và Cameron vẫn làm việc tại Kodiak Cakes.

Chân dung Shark Lê Hùng Anh, “cá mập” mới trong bể Shark Tank: Bỏ học Bách Khoa đi khởi nghiệp, kinh doanh đa ngành từ BĐS, truyền thông đến thanh toán

https://babfx.com/startup-gia-1-usd-len-shark-tank-goi-von-bi-shark-nhan-xet-qua-tam-thuong-sau-vai-nam-thanh-thuong-hieu-tri-gia-200-trieu-usd-20220525135502668.chn

Nhật Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*