Tháng 11/2020, nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Boge đăng lên mạng xã hội video 7 giây ghi lại nụ cười thẹn thùng của chàng trai chăn bò Đinh Chân. Chỉ sau một đêm, video về cậu thanh niên dân tộc Tây Tạng lan truyền khắp mạng xã hội Douyin, phiên bản TikTok cho thị trường Trung Quốc.
Sự thay đổi ngoạn mục của Đinh Chân, từ một chàng chăn bò bình thường bỗng chốc trở thành người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, hoàn toàn không có chủ đích. Nhiếp ảnh gia Boge ban đầu định quay video về Nima, anh trai của Đinh Chân. Do Nima vắng mặt đột xuất, nhiếp ảnh gia này đã chọn Đinh Chân làm người mẫu thay thế.
Trong video, Đinh Chân mặc trang phục và đeo trang sức truyền thống của người Tạng. Chàng trai 21 tuổi với làn da rám nắng cùng mái tóc bù xù khi đó mỉm cười trước ống kính, sau lưng là cảnh đồng cỏ của cao nguyên Tứ Xuyên.
Nửa năm sau đó, vẻ đẹp ngây thơ trẻ trung cùng tính cách chất phác của Đinh Chân tiếp tục thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng mạng xã hội Trung Quốc.
“Tôi đã chán ngấy với những ‘tiểu thịt tươi’ được các công ty truyền thông lớn lăng xê. Đinh Chân thật khác biệt. Cậu ấy thuần khiết. Tôi mong cậu ấy có thể né khỏi mọi thị phi”, một tài khoản mạng xã hội Trung Quốc bình luận.
“Tiểu thịt tươi” là thuật ngữ xuất phát từ nền giải trí Trung Quốc và sau đó dần phổ biến trên khắp châu Á, chỉ những chàng trai trẻ, có ngoại hình đáng yêu, thường sở hữu vẻ đẹp phi giới tính.
Người hâm mộ của Đinh Chân đặt cho anh nhiều biệt danh, như “bạch mã hoàng tử”, “chàng trai hoang dã ngọt ngào” hay thậm chí “người đẹp trai nhất Trung Quốc”. Hầu hết biệt danh đều gắn với vùng quê hoang sơ ở Lý Đường, tỉnh Tứ Xuyên, quê nhà của Đinh Chân. Nhờ ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, Đinh Chân đã được chính quyền Lý Đường chọn làm đại sứ du lịch cho quê hương.
Đinh Chân nhanh chóng sở hữu fandom (nhóm người hâm mộ) đông đảo, những người không chỉ nhiệt tình mà còn vô cùng thành thạo trong việc quảng bá thần tượng trên mạng xã hội.
Giống các idol hay diễn viên nổi tiếng khác ở Trung Quốc, Đinh Chân cũng sở hữu Siêu thoại, một trang trên Weibo để người hâm mộ trao đổi tin tức về thần tượng. Tài khoản mạng xã hội của Đinh Chân trên Douyin và Weibo, được tạo hồi tháng 11/2020, thu hút tới hai triệu người theo dõi chỉ sau một đêm.
Sức hút từ Đinh Chân khiến nhiều phóng viên, công ty giải trí và quảng cáo tìm tới tận quê nhà cậu ở Lý Đường để phỏng vấn và tìm cơ hội hợp tác. “Tôi chưa từng thấy có nhiều phóng viên đến vậy”, một người dân trong làng kể lại.
So với những người nổi tiếng khác, Đinh Chân được đánh giá ít hợp tác hơn với các thương hiệu. Quảng cáo của Đinh Chân chủ yếu tập trung vào quảng bá văn hóa và du lịch địa phương.
Đinh Chân từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng anh luôn mơ ước được đến Lhasa, thủ phủ vùng Tây Tạng. Điều này khiến nhiều người Trung Quốc bối rối, vì họ nghĩ rằng người dân tộc Tạng như Đinh Chân chỉ sống ở Tây Tạng, chứ không phải Tứ Xuyên, tỉnh nằm ở tây nam Trung Quốc.
Kết quả điều tra dân số toàn quốc của Trung Quốc năm 2010 cho thấy người Tây Tạng chiếm 0,45% tổng dân số nước này. Phần lớn người dùng mạng xã hội Trung Quốc hiểu rất ít về Tây Tạng và văn hóa dân tộc ở đây.
Sự nổi tiếng của Đinh Chân một phần cũng bắt nguồn từ ý nghĩ tò mò của người dùng mạng xã hội Trung Quốc về cuộc sống nông thôn khác lạ ở Tây Tạng. Trong tâm trí người thành thị Trung Quốc, Tây Tạng gắn liền với hình ảnh dân địa phương khoác áo da thú đi dưới trời tuyết lạnh hay người chăn gia súc mang dáng vẻ như chiến binh.
Khi Đinh Chân ngày càng nổi tiếng, nhiều người lo lắng liệu anh có bị nền công nghiệp giải trí Trung Quốc làm biến chất hay không. Những từ khóa với tiêu đề “Đinh Chân có nên rời đồng cỏ để theo đuổi sự nghiệp giải trí hay không?” xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhiều người hâm mộ Đinh Chân ra sức bảo vệ anh khỏi ảnh hưởng từ các tập đoàn giải trí lớn, lo ngại chàng trai có thể bị kéo khỏi quê nhà Tứ Xuyên và đến với một lối sống thành thị hơn.
Khi Đinh Chân bắt đầu phát trực tiếp trên Douyin từ tháng 11/2020, người dùng mạng xã hội cũng thảo luận sôi nổi về tiếng phổ thông không lưu loát của anh, gọi chàng trai này là “cửu lậu ngư”, thuật ngữ ám chỉ những người có trình học vấn thấp, không hoàn thành 9 năm giáo dục bắt buộc theo quy định của Trung Quốc.
Suốt nhiều tuần, người hâm mộ Đinh Chân nhiệt tình gửi sách tới làng Lý Đường để giúp anh học tiếng phổ thông. Hành động này xuất phát từ ý tốt, nhưng cũng cho thấy người dùng mạng xã hội Trung Quốc vẫn ưu tiên tiếng phổ thông hơn tiếng Tây Tạng. Họ coi Đinh Chân là “ít học” dù anh thông thạo tiếng Tây Tạng.
Trong thời đại truyền thông xã hội ngày càng phát triển, hiệu ứng về Đinh Chân có thể được xem như một cách thức để đưa văn hóa Tây Tạng tới gần hơn với người dân thành thị Trung Quốc.
Theo thống kê, số lượng tìm kiếm Lý Đường thông qua công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc Ctrip đã tăng 620% kể từ khi Đinh Chân nổi tiếng trên mạng xã hội. Danh tiếng của Đinh Chân cũng thúc đẩy ngành du lịch và kinh tế của Lý Đường phát triển.
“Trước khi Đinh Chân nổi tiếng, có lẽ không ai biết Lý Đường ở đâu, không biết Cam Tư (một châu tự trị của tỉnh Tứ Xuyên) là gì. Giờ đây mọi người đều biết ít nhất một khía cạnh về những điều này. Tôi lạc quan về tiềm năng mà Đinh Chân thực sự có thể đem lại cho toàn bộ Tây Tạng”, Trương Phàm, phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng bất ngờ cũng khiến Đinh Chân vấp phải nhiều hoài nghi và chỉ trích, khi một số người dùng mạng xã hội cho rằng anh không có tài cán gì ngoài “đẹp mã”. Một cuộc khảo sát với 3.300 người dùng hồi tháng 12/2020 trên Hupu, diễn đàn thể thao hàng đầu ở Trung Quốc, cho thấy 63% người được hỏi tin rằng họ còn đẹp hơn Đinh Chân.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 năm ngoái, Đinh Chân nói rằng anh biết tất cả những lời chỉ trích nhắm vào mình. “Tôi thấy tất cả, nhưng tôi luôn quan niệm theo một câu nói của người Tây Tạng rằng ‘Khi hàng trăm người thích bạn, có thể hàng chục nghìn người không ưa bạn'”, Đinh Chân nói.
Ngọc Ánh (Theo China.usc.edu)
Để lại một phản hồi