Muộn vẫn hơn không
Chỉ một ngày sau yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) bắt đầu công bố công khai số liệu giao dịch của khối tự doanh. Số liệu này đã được HoSE cung cấp cho các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu trước đây, nhưng đã trở lại gộp chung với giao dịch của các tổ chức từ đầu tháng 3/2022.
Hoạt động mua bán của khối tự doanh phản ánh động thái công ty chứng khoán giữ vai nhà đầu tư trên thị trường. Ở khá nhiều công ty, mảng kinh doanh này đóng góp tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, cũng có một số công ty chủ động giảm tự doanh, chỉ mua cổ phiếu phục vụ sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, hay đầu tư doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn để tránh xung đột lợi ích với khách hàng.
Theo quy định hiện hành, thông tin giao dịch tự doanh không nằm trong nhóm dữ liệu cuối ngày mà các sở giao dịch chứng khoán cần công bố. Tuy nhiên, Điều 37, Thông tư số 96/2020/TT-BTC quy định, các sở cần thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Động thái Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa thông tin tự doanh vào diện công khai giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của nhóm nhà đầu tư cá nhân – lực lượng đang chiếm 98,9% trong gần 5,22 triệu tài khoản chứng khoán của thị trường hiện tại, thu hẹp tình trạng bất cân xứng thông tin giữa các thành viên trên thị trường.
Cũng nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đang sở hữu lượng cổ phiếu nhỏ lẻ, theo thông tin mới đây từ ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc thực hiện giao dịch lô lẻ trên sàn chứng khoán TP.HCM có thể được thực hiện từ đầu tháng 6. Hiện HoSE đang tiến hành thử nghiệm với các công ty chứng khoán và có thể hoàn tất trong tuần sau. Các cổ phiếu lẻ phát sinh từ việc thay đổi quy định nâng lô cổ phiếu trên sàn HoSE từ 10 lên 100 đơn vị hồi đầu năm 2021 để giảm tình trạng nghẽn lệnh, hay các đợt trả cổ tức/chia thưởng đã khiến nhiều nhà đầu tư bị giam tiền vì cần nhiều thủ tục để bán cổ phiếu lẻ.
Một thay đổi khác cũng sắp được thực hiện trên sàn HoSE là việc điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai Chỉ số VN30 trong Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của Chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa – ATC) sau khi đã loại trừ 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị Chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây. Thực tế, lịch sử các phiên đáo hạn phái sinh cũng đã ghi nhận một số phiên có biến động giá bất thường ở một vài cổ phiếu thanh khoản không quá lớn tại thời điểm chốt giá ATC.
Cần sự hậu thuẫn từ công nghệ
Bên cạnh các nỗ lực tăng tính minh bạch của thông tin trên thị trường và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư yếu thế, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên hiện tại cũng “nóng” lên gần đây. Đây là một trong các mục tiêu vốn đã được đặt ra từ lâu và chưa ghi nhận quá nhiều tiến triển.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng bằng việc phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn.
Chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán lớn trên thị trường kỳ vọng, câu chuyện nâng hạng sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Theo ông, điều khác biệt then chốt là sự quyết liệt trong hành động khi Thủ tướng đã chỉ đạo mục tiêu là phải nâng hạng và liệt kê rõ các đầu việc cần làm. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã ký kết hợp tác, bao gồm hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, có những cơ hội cho việc nâng hạng của chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới. Theo đánh giá của Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect khi nhận định về triển vọng thị trường năm 2022, Việt Nam có khả năng được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp FTSE trong đợt đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 9 năm nay trong kịch bản lạc quan. Trong kịch bản cơ sở, thời gian được thông báo để đưa vào chỉ số thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9/2023.
Việt Nam đang cố gắng tháo gỡ những nút thắt về thanh toán bù trừ thông qua thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm – CCP (trực thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam – VNX). Điều này dự kiến sẽ giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt mà cả FTSE và MSCI đều coi là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Một điều kiện quan trọng về công nghệ cũng được đề cập là việc hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022. Hệ thống giao dịch mới giúp VNX cung cấp thêm các dịch vụ mới như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về… Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch HoSE từng khẳng định, đưa hệ thống KRX đi vào hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm của HoSE năm 2022.
Nhân sự của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị dự kiến có thay đổi thời gian tới đây khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo các hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo hôm 18/5.
Tuy nhiên, trong thông báo phát đi ngay sau đó, Bộ Tài chính đã khẳng định, những sai phạm của các cá nhân sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường năng lực toàn diện và kiện toàn tổ chức cán bộ, bố trí cán bộ chủ chốt đáp ứng được yêu cầu cho các đơn vị, đảm bảo công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.
Để lại một phản hồi