Thị trường đón đợi Fed công bố tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản

Các định giá thị trường đặt kỳ vọng vào mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed trong tuần này và sau đó sẽ là đợt tăng thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6.
Các tổ chức định giá thị trường đặt kỳ vọng vào mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed trong tuần này và sau đó sẽ là đợt tăng thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6.

Các thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ công bố tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 4/5. Tuy nhiên, giới phân tích nghi ngại rằng, liệu Fed có mắc sai lầm khi mạnh tay đẩy lãi suất lên cao sau khi Phố Wall chứng kiến thêm một phiên giao dịch bất ổn vào chiều 2/5, với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 1%.

“Suy thoái kinh tế ở giai đoạn này gần như không thể tránh khỏi”, cựu Phó chủ tịch Fed, ông Roger Ferguson, bình luận trên đài CNBC hôm 2/5. “Đó là mối lo ngại và xác suất xảy ra suy thoái mà tôi nghĩ không may là rất cao vì công cụ kiểm soát của họ (Fed – BTV) là quá thô bạo và tất cả những gì họ có thể kiểm soát là tổng cầu”, ông Roger Ferguson nói.

Phần lớn thời gian năm 2021, các quan chức Fed đều khẳng định lạm phát chỉ là “tạm thời” và vấn đề này có thể sẽ biến mất khi các điều kiện thị trường trở lại bình thường. Thế nhưng, sang đến năm 2022, họ đã đổi giọng và thừa nhận rằng lạm phát trở thành vấn đề dai dẳng lâu hơn họ dự báo.

Cựu Phó chủ tịch Fed cảnh báo rằng, suy thoái kinh tế Mỹ có thể xảy ra vào năm 2023, nhưng ông hy vọng nó “sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ”.

Các quan chức Fed không chỉ gần như chắc chắn sẽ thông qua phương án tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản mà còn có khả năng thông báo cắt giảm lượng trái phiếu mua vào trong giai đoạn thực hiện gói kích thích phục hồi kinh tế hai năm vừa qua.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ phải giải thích tất cả những điều đó với công chúng Mỹ, vạch ra ranh giới giữa một bên quyết tâm siết chặt lạm phát và một bên không bóp nghẹt nền kinh tế, bởi các chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang bị tổn thương bởi các cú sốc.

“Điều đó có nghĩa là Fed sẽ phải tăng lãi suất đủ để duy trì uy tín và bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán, và ông ấy (Chủ tịch Fed – BTV) sẽ phải chấp nhận suy thoái đi kèm”, bà Danielle DiMartino Booth, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tài chính Quill Intelligence (Mỹ) nhận định.

“Đó sẽ là một thông điệp cực kỳ khó truyền đạt”, đại diện Quill Intelligence nói thêm.

Tranh luận về suy thoái kinh tế trên Phố Wall gần đây trở nên sôi nổi hơn, khi nhiều nhà kinh tế vẫn tin rằng Fed có thể thắt chặt lạm phát và hạ cánh “mềm”. Các tổ chức định giá thị trường đặt kỳ vọng vào mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần này và sau đó sẽ là đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6 trước khi Fed hãm tốc độ tăng lãi suất lại và đưa lãi suất huy động lên mức 3% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khẳng định chắc chắn về các phương án trên, sau thông tin mới công bố rằng nền kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm 1,4% trong quý I/2022.

Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế nước này đã suy giảm 1,4% trong quý I/2022, đánh dấu sự đảo chiều đột ngột của nền kinh tế vừa đạt thành tích tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1984. Quý I/2022 cũng trở thành quý có mức tăng trưởng tồi tệ nhất của Mỹ kể từ sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

“Nó (kết quả kinh tế quý I – BTV) nhắc nhở chúng ta về một thực tế rằng tăng trưởng trước đó đã rất tuyệt vời, nhưng mọi thứ đang thay đổi và chúng sẽ không còn tuyệt vời như vậy trong tương lai”, bà Simona Mocuta, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty quản lý đầu tư State Street Global Advisors (Mỹ) bình luận.

Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, dù dự báo kinh tế Mỹ suy giảm 1,5% trong quý I, nhưng họ vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng quý II sẽ là 3%.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*