Thiếu thông tin, việc giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp FDI đều khó

Tại sao chưa nhiều doanh nghiệp Mỹ, EU chọn Việt Nam

Đến thời điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Hữu Quang Huy vẫn trăn trở với câu hỏi: “Tại sao số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ châu Âu chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số các dự án FDI tại Việt Nam?”. Tỷ lệ vốn của nhà đầu tư châu Âu trong tổng vốn FDI tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 8,2%, của nhà đầu tư đến từ châu Mỹ thấp hơn, chỉ khoảng 4,5%.

“Một con số rất thấp, không chỉ về tỷ trọng, mà còn so với mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ, EU với Việt Nam. Đó là chưa kể tỷ trọng cũng rất thấp nếu so với lượng vốn FDI của Mỹ và EU trên thế giới và đầu tư vào các nước ASEAN”, ông Huy nói.

Từng là Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, từng là Trưởng phòng Quản lý dự án đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Huy hiểu rõ, yêu cầu thu hút thêm nhiều dự án chất lượng, các nhà đầu tư Mỹ, EU… đã được đặt lên hàng ưu tiên từ nhiều năm nay.

Khi là thành viên Hội đồng biên soạn Báo cáo Đầu tư nước ngoài 2021, ra mắt cuối tháng 5/2022, ông Huy có dịp đi đến nhiều địa phương và cố gắng tìm câu trả lời cho hiện trạng khó trên. “Phải thẳng thắn thừa nhận, dù đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng tính minh bạch, nhất quán trong thực hiện chính sách về đầu tư, trong lựa chọn dự án đầu tư tại nhiều địa phương vẫn là rào cản với các nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU”, ông Huy phân tích.

Dẫn câu chuyện một nhà đầu tư Mỹ đành phải thay đổi quyết định khi chính quyền địa phương mà ông kết nối đưa ra những yêu cầu, thủ tục ngoài quy định, ông Huy cảm thấy rất tiếc. Nhà đầu tư nói, vì không thể giải trình với công ty mẹ về những chi phí dành cho các thủ tục, quy trình ngoài quy định, nên dù rất muốn thực hiện dự án, họ đành phải cân nhắc lại.

“Đây là một nội dung trong Báo cáo Đầu tư nước ngoài năm 2021 mà chúng tôi dành nhiều công sức nghiên cứu, đưa ra hiện trạng và những khuyến nghị cụ thể”, ông Huy chia sẻ.

Nhưng điều các chuyên gia muốn nhấn mạnh hơn là nhận thức về vai trò, vị trí của FDI ở một số chính quyền địa phương chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến các hành động cụ thể. Các chuyên gia kể, có nơi lấy lý do bảo vệ lợi ích ngành, địa phương để ban hành những quy định, quy trình, thủ tục, hồ sơ chưa phù hợp; đưa ra các quyết định nhằm hạn chế, phân biệt đối xử đối với FDI, gia tăng chi phí hành chính, gia tăng chi phí hoạt động sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, làm cho các nhà đầu tư lo ngại.

Có địa phương coi thu hút FDI chỉ là thu hút vốn, công nghệ cao, nên không kết hợp hài hòa góc nhìn từ nhu cầu phát triển trong nước với nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế, dẫn đến chỉ đạo điều hành mang tính áp đặt, thiếu khách quan…

Trong báo cáo trên, phần về hạn chế trong chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI được đưa lên đầu tiên trong 4 nhóm hạn chế, yếu kém của FDI tại Việt Nam, với hệ quả đang thấy rõ là những nguy cơ, thách thức về ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên. FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe gắn máy…) và một số ngành chế biến thực phẩm.

Suất đầu tư trên một héc-ta đất sử dụng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chưa cao (bình quân 3,7 triệu USD/ha). Các dự án FDI chủ yếu có quy mô nhỏ: 58,1% số dự án có quy mô vốn dưới 1 triệu USD (chỉ chiếm 1,6% vốn đăng ký); 46,2% số dự án dưới 500.000 USD (chiếm 0,7% số vốn). Tính đến hết năm 2021, chỉ có 30 dự án FDI có quy mô vốn từ 1 tỷ USD trở lên.

Hiện trạng các dự án FDI như trên ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu ứng lan tỏa về năng suất, chất lượng giữa khu vực FDI với các khu vực khác mà nền kinh tế Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng.

Câu hỏi dành cho cơ chế giám sát, hậu kiểm

TS. Ngô Công Thành, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cảm thấy lo lắng khi cảm nhận được tình trạng không có sự thay đổi đáng kể nào về hệ thống thông tin về doanh nghiệp FDI trong nhiều năm qua.

“Có thông tin cập nhật về các dự án, doanh nghiệp FDI đang hoạt động hay không là điều chúng tôi luôn hỏi khi tham gia các chuyến khảo sát thực tế để hoàn thiện Báo cáo Đầu tư nước ngoài 2021, nhưng rất tiếc câu trả lời là không đầy đủ”, TS. Thành trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Kết quả khảo sát tại một số địa phương của nhóm nghiên cứu cho thấy, tình trạng chung là chưa thống kê được vốn FDI thực hiện hàng năm phân theo ngành kinh tế, chưa cập nhật được tình hình doanh nghiệp đang hoạt động. Trong nhiều khu công nghiệp, thời gian giải ngân vốn và đầu tư, xây dựng nhà xưởng của các doanh nghiệp FDI được khảo sát là không quá 2 năm, nhưng không có trong các báo cáo cập nhật.

“Có thể một phần do việc chính quyền các cấp quá coi trọng khâu xúc tiến, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng rõ ràng là có sự buông lỏng quản lý dự án FDI sau cấp phép, nên mới có tình trạng chậm trễ xử lý vi phạm, chậm trễ cả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp”, ông Thành nói.

Trong khi đó, hệ thống giám sát FDI còn thiếu thống nhất. Việc giám sát tình hình góp vốn và sử dụng vốn của nhà đầu tư FDI đang được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau dẫn tới sự tồn tại nhiều chủ thể giám sát. Mỗi chủ thể giám sát một số nội dung của tổ chức kinh tế có vốn FDI nhưng thiếu tính kết nối, phối hợp, dẫn đến hiệu lực và hiệu quả giám sát chưa cao.

Thực tế, việc xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về FDI đã được triển khai từ năm 2019, nhưng theo ông Thành, đã đến lúc cần sự thay đổi, đảm bảo yêu cầu mới của Chính phủ điện tử. “Chúng tôi đồng ý với nhiều đề xuất rằng, cần có thể chế phù hợp hơn trong thu hút, quản lý, sử dụng vốn FDI. Nhưng để thực hiện được, việc đầu tiên là cần có hệ thống thông tin quốc gia về FDI cập nhật, đầy đủ, vận hành thông suốt với sự tham gia cung cấp của cả doanh nghiệp, địa phương. Đây là việc cần làm ngay”, ông Thành đề xuất.

Sâu xa hơn, việc thiếu thông tin cập nhật từ doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả đề xuất, xây dựng, thực thi cơ chế, chính sách cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh..

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*