Hiện tại, sau khi đạt được thỏa thuận với NABU, công ty đã bắt đầu xây dựng turbine gió, nhưng phải lắp đặt những camera đặc biệt giúp tự động ngừng cánh quạt gió nếu chúng phát hiện những loài chim bị đe dọa đến gần.
“Điều đó không phù hợp với tham vọng chính trị rằng năng lượng tái tạo có lợi ích công cộng vượt trội và phục vụ an ninh quốc gia”, Lackmann, giám đốc dự án của WestfalenWIND, nói.
Katharina Stucke, cố vấn tại NABU, cho biết dữ liệu thu thập được trong nhiều thập kỷ của Đức về hoạt động vận hành các trang trại điện gió cho thấy việc lắp đặt chúng đã làm giảm số lượng diều hâu đỏ tại địa phương, dù bà thừa nhận số lượng loài chim này trên toàn quốc vẫn ổn định.
Theo bà, những dự án nâng cấp công viên điện gió cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi các tháp gió hiện đại cao hơn và cánh quạt dài hơn nhiều so với trước đây, gây nguy hiểm cho các loài chim.
“Chúng ta không thể chỉ nhìn vào cuộc khủng hoảng khí hậu mà quên đi cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học”, Stucke nói.
Tại Pháp, quy định cấm lắp đặt turbine gió gần radar quân sự và đường bay của phi cơ khiến chúng không thể được triển khai tại nhiều khu vực rộng lớn của đất nước. Những quy định mới nhằm đánh giá tác động của chúng tới cảnh quan cũng khiến quá trình triển khai bị chậm lại.
Tại Ba Lan và Hungary, một đạo luật được thông qua năm 2016 khiến việc xây dựng các công viên điện gió mới ở cả hai quốc gia gần như bất khả thi.
Các cơ quan công quyền Italy đã chặn hàng trăm dự án năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu do nhóm vận động hành lang Elettricità Futura thực hiện, các dự án năng lượng tái tạo ở Italy phải mất trung bình 7 năm mới được bật đèn xanh.
Theo Irex, tổ chức tư vấn trong lĩnh vực năng lượng, mặc dù chính phủ Italy nói họ muốn nhanh chóng thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, hơn 70% trong 264 dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió được trình phê duyệt vào năm ngoái vẫn đang chờ cấp phép.
Ngay cả khi các công ty được chính quyền địa phương chấp thuận, dự án của họ vẫn cần thông qua Bộ Văn hóa Italy, cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án có ảnh hưởng đến cảnh quan. Gần 600 dự án năng lượng tái tạo đang được bộ này xem xét.
“Bất chấp giá năng lượng tăng và nhu cầu thoát phụ thuộc khí đốt Nga, chính phủ vẫn không thực hiện các bước đặc biệt cần thiết để đẩy nhanh quá trình phê duyệt”, Agostino Re Rebaudengo, chủ tịch Elettricità Futura, nhấn mạnh.
Hầu hết các dự án bị chính quyền địa phương chặn đều sẽ được giải quyết tại tòa án, nơi các công ty thường được trao những phán quyết có lợi. Tuy nhiên, quá trình này thường mất vài năm và công nghệ đến lúc đó có thể đã khác. Các công ty phải nộp đơn xin cấp phép lại nếu thay đổi phương án kỹ thuật.
Các công ty muốn giảm số lượng turbine trong trang trại điện gió của mình bằng cách lắp đặt những turbine mới mạnh mẽ hơn cũng phải trải qua một quá trình phê duyệt kéo dài.
Các dự án điện gió ngoài khơi không phải ngoại lệ. Gần đây, một dự án tại vùng Puglia, phía nam Italy, đã bắt đầu sản xuất điện. Đây là trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên của Italy và chính phủ nước này coi đó là minh chứng cho thành công của ngành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, dự án này đã phải mất 14 năm kể từ khi được phê duyệt cho tới khi khánh thành.
Theo Simone Togni, chủ tịch ANEV, hiệp hội đại diện cho các công ty điện gió Italy, chỉ khoảng 10% dự án điện gió đệ trình lên chính phủ nước này được phê duyệt và xây dựng, trong số đó, phần lớn đều phải thu hẹp quy mô nếu muốn được thông qua.
“Chúng ta mới chỉ đang triển khai được khoảng 20% những gì nên làm nếu muốn có cơ hội đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo của EU”, ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
Để lại một phản hồi