“Trong khi Nga tiếp tục chiến sự vô cớ tại Ukraine khiến hàng triệu tấn ngũ cốc bị phong tỏa, những người nghèo nhất thế giới ngày một gần hơn với nạn đói. Nước Anh đóng một phần vai trò giải quyết cuộc khủng hoảng này, từ viện trợ lương thực khẩn cấp đến việc xem xét lại tình hình sử dụng nhiên liệu sinh học”, Thủ tướng Boris Johnson nói, theo thông cáo đăng trên trang web chính phủ Anh ngày 23/6.
Nhiên liệu sinh học được hình thành từ hợp chất có nguồn gốc động thực vật, như các loại cây lúa mì và ngô. Ông Johnson muốn tăng lượng đất đai được sử dụng để sản xuất lương thực thay vì phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.
Anh đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (giảm phát thải CO2 về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo) trước 2050.
20% lượng ethanol Anh dùng để chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học đến từ Ukraine. Lượng đất đai trên toàn cầu được sử dụng để trồng cây phục vụ cho thị trường nhiên liệu sinh học ở Anh có thể nuôi sống 3,5 triệu người nếu chuyển sang mục đích sản xuất lương thực, theo tổ chức nghiên cứu Liên minh Xanh có trụ sở ở London.
Anh dự kiến kêu gọi G7 thảo luận về khả năng cắt giảm 10% lượng nhiên liệu sinh học được sử dụng trên thế giới tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào cuối tuần. Chính phủ Anh cũng có thể đơn phương hành động để giảm lượng cây trồng phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.
Dustin Benton, giám đốc chính sách tại Liên minh Xanh, cựu cố vấn chiến lược lương thực của chính phủ, cho biết cắt giảm nhiên liệu sinh học gần như đồng nghĩa tạm thời “khai tử” nỗ lực thúc đẩy sử dụng xăng E10 trong nước, do Anh không thể chuyển sang các nguồn thay thế khác kịp thời.
Nhiên liệu sinh học chiếm 1/10 trong xăng E10. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh cho biết việc thúc đẩy xăng E10, vốn đắt hơn các loại thay thế do có hiệu suất động cơ thấp hơn, đã làm tăng chi phí và hạn chế lợi ích trong thời điểm giá nhiên liệu, thực phẩm tăng cao.
“Khi sử dụng E10, phương tiện tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, các loại xe cũ cũng gặp nhiều vấn đề”, Craig Mackinlay, chủ tịch nhóm nghị sĩ Net Zero Scrutiny, nói. “Nước Anh cần xem xét lại chính sách này, liệu chúng có thực thực sự ‘xanh’? Mục tiêu chính của đất đai không phải là để sản xuất lương thực sao?”.
Chiến sự Ukraine kéo dài làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, “đổ dầu vào lửa” khủng hoảng lương thực toàn cầu, theo giới chuyên gia. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể “gây ra làn sóng đói kém chưa từng có”, đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.
Để lại một phản hồi