Chứng khoán quý III đối mặt với nhiều biến số

Chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ. Ảnh: shutterstock

Cẩn trọng với nhiều biến số trong quý III

Duy trì quan điểm khá thận trọng trong ngắn hạn, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF, thuộc VinaCapital) đánh giá, sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố khó dự báo ở quý III tới đây.

Chia sẻ tại Talkshow “Chọn Danh Mục” kỳ 9 với chủ đề “Hành động trong mắt bão”, người điều hành Quỹ VESAF nêu ra loạt biến số cần chú ý. Trong đó, yếu tố vĩ mô từ quốc tế, mà cụ thể là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặc biệt nên được quan sát, do chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ.

“Ấn số lớn nhất tác động đến quyết định của Fed là giá dầu. VinaCapital dự báo, giá dầu sẽ khó hạ nhiệt do thiếu nguồn cung, việc đứt gãy nguồn cung cũng khó thay đổi trong thời gian ngắn. Do vậy, lạm phát ngắn hạn dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ dựa trên mức lạm phát tháng sau so với tháng trước”, bà Hoài Phương nhấn mạnh.

Tại cuộc họp gần nhất, Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm phần trăm – mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Đồng thời, biểu đồ Dot Plot (gồm các dấu chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ) cho thấy, khả năng cao nhất lãi suất cuối năm 2022 nằm trong khoảng 3,25-3,5%; trong khi chỉ cách đó 3 tháng, các thành viên đều dự báo dưới mức này.

Fed tổ chức hai cuộc họp trong quý III tới vào ngày 21/7 và 21/9. Kỳ vọng thị trường, theo số liệu của CME Group, đang thiên về khả năng tiếp tục tăng mạnh 0,75 điểm phần trăm mỗi lần họp.

Không riêng Fed, lạm phát cũng đang được loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu theo dõi để điều hành chính sách tiền tệ. Tại Anh, lạm phát trong 2 tháng đầu quý II/2022 đều vọt lên trên 9% và được Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự báo tiếp tục vượt mức này trong vài tháng tới. Sau 5 lần liên tiếp tăng lãi suất điều hành và đẩy chi phí đi vay lên mức cao nhất trong 13 năm, cuộc họp lãi suất tiếp theo của BOE là vào đầu tháng 8.

Lạm phát tại Việt Nam giữ được ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm, nhưng có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới hay không lại là câu hỏi. Theo nữ chuyên gia từ VinaCapital, lạm phát Việt Nam là khó tránh, có thể đạt đỉnh 5,5% vào quý IV/2022, nhưng vẫn giữ ở mức 4% cả năm.

VinaCapital dự báo, áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn là có, nhưng chỉ tăng nhẹ, do hạn mức tín dụng bị kiểm soát và tập trung vào dòng tiền sản xuất – kinh doanh. “Chúng tôi thấy điều hành vĩ mô của Chính phủ đang rất nhịp nhàng và cân đối, lãi suất điều hành chưa tăng và có thể cũng chỉ tăng nhẹ”, bà Phương cho hay.

Ngoài yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất hay tỷ giá, theo Giám đốc Quỹ VESAF, thời điểm Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang kiên trì đi theo chiến lược Zero Covid) sẽ mở cửa để kích cầu tiêu dùng cũng là vấn đề cần quan sát.

Còn trong nước, khi các nhà đầu tư nhạy cảm với những tin tức mới như thay đổi liên quan đến chính sách điều hành, tháo gỡ khó khăn…, bà Phương cũng khuyến nghị theo dõi việc khi nào các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới, khi nào gói hỗ trợ lãi suất 2% được thực thi, hay những thay đổi trong Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Chuyện nâng hạng thị trường từng được tiếp tục nhắc đến trong nửa đầu năm 2022, nhưng đến nay vẫn khó có bước tiến mới. Danh sách theo dõi nâng hạng mà MSCI (một công ty tài chính của Mỹ) vừa công bố ngày 24/6 vẫn chưa xuất hiện Việt Nam. Thậm chí, tổ chức này còn nhấn mạnh thêm về room ngoại, khi cho rằng, giới hạn sở hữu nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu.

Cũng không có nhiều hy vọng cho đợt đánh giá phân loại thị trường hằng năm vào tháng 9 của FTSE (một công ty độc lập và có nhiệm vụ tạo chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu) khi chưa có yếu tố công nghệ, nhất là nút thắt về thanh toán bù trừ, chưa có sự thay đổi.

Định giá về vùng hấp dẫn

Không phải tới quý III, các yếu tố tác động lên thị trường chứng khoán đã biến động khó lường trong quý II/2022, nhất là khi chiến sự tại Ukraine và tình hình dịch tại Trung Quốc tiếp tục tạo ra hiệu ứng domino tác động đến giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Định giá nhiều cổ phiếu đang rất tốt để đầu tư dài hạn, như nhóm ngân hàng, P/E của nhiều cổ phiếu đã về mức trước đại dịch Covid-19, hay cổ phiếu của “vua thép” Hoà Phát đã tiệm cận giá trị sổ sách, tiệm cận giá vùng cuối năm 2019, trong khi doanh nghiệp đang hoạt động bình thường và có lợi nhuận tích lũy qua 2 năm qua.

– Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF, thuộc VinaCapital)

Dưới loạt tác động tiêu cực, cả 3 sàn chứng khoán chỉ có 3/12 tuần tăng điểm trong quý II. VN-Index đã ghi nhận cú giảm nhanh và sâu sau khi chỉ vừa leo đỉnh mới 1.530 điểm hôm 4/4. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số này dừng chân ở mốc 1.185 điểm. Vùng đáy 1.150 điểm vẫn đang được kiểm thử.

Đứng dưới góc độ phân tích kỹ thuật, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, cần thêm thời gian để xác định VN-Index đã qua vùng đáy hay chưa. VN-Index sẽ cần vượt qua ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Ở trường hợp yếu tố tiêu cực tác động, chỉ số này có thể được nâng đỡ ở một số ngưỡng hỗ trợ là 1.130 điểm và 1.080 điểm. Về khả năng rơi về mốc 950 điểm, ông Hiển cho rằng, đây là khả năng khó xảy ra, chỉ khi xuất hiện tin tức trong và ngoài nước đặc biệt xấu.

Còn khi xét về các yếu tố cơ bản, định giá của thị trường và nhiều cổ phiếu được nhiều chuyên gia đánh giá đang về vùng hấp dẫn.

Theo số liệu của Khối phân tích của SHS, P/E của VN-Index tại phiên ngày 22/6 đã giảm còn khoảng 13 lần, thấp hơn nhiều mức P/E trung bình 5 năm là 16,5 lần và mức bình quân 10 năm đạt 15 lần. Trong khi đó, ông Hiển cho biết, triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế khá tốt và doanh nghiệp vẫn có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.

Cùng ý kiến trên, Giám đốc Quỹ VESAF dù có quan điểm thận trọng, vẫn cho rằng, nhiều cổ phiếu đang ở vùng định giá hấp dẫn. Người điều hành Quỹ VESAF nhìn nhận, định giá nhiều cổ phiếu đang rất tốt để đầu tư dài hạn, như nhóm ngân hàng, P/E của nhiều cổ phiếu đã về mức trước đại dịch Covid-19, hay cổ phiếu của “vua thép” Hoà Phát đã tiệm cận giá trị sổ sách, tiệm cận giá vùng cuối năm 2019, trong khi doanh nghiệp đang hoạt động bình thường và có lợi nhuận tích lũy qua 2 năm qua.

Cũng theo bà Phương, hiện thị trường có mức độ phân hoá về giá cổ phiếu lớn. Trong cùng một nhóm ngành, vẫn có cổ phiếu biến động ngược chiều, nên cần nhìn yếu tố cơ bản của từng doanh nghiệp, dù cả ngành hưởng lợi.

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ các biến động bất thường thời gian qua. Theo khảo sát của Khối Phân tích SHS, nhiều doanh nghiệp cho biết, tình hình đang khó khăn hơn do chi phí của các doanh nghiệp đã tăng lên so với trước. Cùng với đó, lạm phát tăng khiến nhu cầu hàng hóa không thiết yếu tăng trưởng chậm lại so với trước đây. Dù vậy, giữa những bất ổn của nền kinh tế, theo ông Hiển, một số ngành mang tính chất thiết yếu nhiều hơn nên đầu ra vẫn được duy trì.

Cung “hàng hóa” mới vẫn khan

Thị trường chứng khoán quý II/2022 không chỉ ghi nhận sự sụt giảm mạnh về điểm số và thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Chỉ có một lượng ít ỏi các đợt phát hành cổ phiếu mới thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu hay chào bán chiến lược thành công như đợt phát hành của Chứng khoán SHS với tỷ lệ phân phối thành công 90,5%. Trong khi đó, một số công ty đã quyết định dừng kế hoạch tăng vốn hoặc lùi lại để hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan quản lý.

“Hàng hóa” trên thị trường cũng không có nhiều gương mặt mới, dù đã “khá” hơn quý I nhờ sự xuất hiện của 11 tân binh sàn UPCoM. Trong khi đó, hai sàn niêm yết không đón thêm doanh nghiệp mới nào. Cũng chỉ có vỏn vẹn 5 đợt đấu giá cổ phần trên sàn HoSE và HNX, trong đó 2 cuộc bị huỷ do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Dù dòng tiền rẻ không còn dồi dào như các năm trước, thị trường vẫn đang “khát” những lựa chọn đầu tư mới. Sự ra đời của chứng chỉ lưu ký (DR) dựa trên VNDiamond ETF (FUEVFVND) trên thị trường Thái Lan cuối tháng 3 đã chứng minh hiệu quả khi thu hút lượng lớn vốn ngoại giải ngân vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Tân binh Apatit Việt Nam sau khi đưa cổ phiếu PAT lên sàn, cũng đã nhanh chóng đạt mức thanh khoản cao hàng chục tỷ đồng/phiên, cùng mức giá tăng gần 83% chỉ sau 6 phiên.

Đã có một số doanh nghiệp đánh tiếng chào sàn trong nửa cuối năm 2022, như kế hoạch chuyển sàn của Viettel Post, Gỗ An Cường, hay một số công ty như Bảo hiểm Viễn Đông, Điện cơ Thống Nhất… đã hoàn tất thủ tục lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, chuẩn bị giao dịch trên sàn UPCoM, dù chưa nhiều, nhưng hứa hẹn mang đến lựa chọn mới cho nhà đầu tư.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*