Cựu tổng thống Hàn Quốc vỡ mộng hưu trí an nhàn

Khi ông Moon Jae-in, 69 tuổi, ngày 10/5 tuyên bố chuyển tới làng Pyeongsan, ông kỳ vọng có thể tận hưởng cuộc sống hậu nhiệm kỳ tổng thống yên bình, ẩn dật như những người nông dân thực thụ.

Ngôi làng nhỏ này có khoảng 100 dân, thuộc tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul 300 km. Đây là ước mơ mà ông Moon ấp ủ suốt nhiệm kỳ 5 năm làm tổng thống của mình.

Tuy nhiên, giấc mơ này tan vỡ khi vợ chồng ông Moon phải đối mặt với những đoàn người biểu tình tụ tập trước nhà. Họ hô hào, trưng biểu ngữ và dùng loa phát thanh gắn trên xe đậu cách nơi ông ở khoảng 80 mét để liên tục phát nhạc từ sáng tới chiều, bảy ngày một tuần.

Những hoạt động ồn ào này khiến cư dân ở làng Pyeongsan cảm thấy khó chịu. Nhiều người trong số họ đã cao tuổi, một số được cho là phải nhập viện do căng thẳng và mất ngủ.

Cựu tổng thống Moon Jae-in làm vườn tại nhà riêng ở làng Pyeongsan, tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc. Ảnh: Twitter/Moon Jae-in.

Cựu tổng thống Moon Jae-in làm vườn tại nhà riêng ở làng Pyeongsan, tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc. Ảnh: Twitter/Moon Jae-in.

Nhóm biểu tình có 20-50 thành viên, là những người ủng hộ nhiệt thành cựu tổng thống Park Geun-Hye.

Năm 2012, bà Park giành chiến thắng trước ông Moon trong cuộc bầu cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Tuy nhiên, bà bị kết tội lạm dụng quyền lực và bị phế truất vào năm 2017, mở đường để ông Moon lên nắm quyền. Bà ra tù cuối năm ngoái, sau gần 5 năm thi hành án.

Kể từ khi bà Park bị phế truất, nhóm ủng hộ bà thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối ông Moon. Việc ông Moon rời Nhà Xanh, lui về vùng nông thôn nghỉ hưu là cơ hội để họ tăng cường hoạt động quấy rối, dù cựu tổng thống vẫn có đội ngũ an ninh bảo vệ.

Ngoài thể hiện sự ủng hộ cựu tổng thống Park, nhóm này cũng cáo buộc ông Moon tiết lộ bí mật quốc gia cho Triều Tiên, sử dụng tiền công quỹ trái phép và làm suy yếu liên minh với Mỹ trước sức ép từ Trung Quốc. Các biểu ngữ do nhóm này dựng lên mang nhiều từ ngữ tiêu cực, phỉ báng, thậm chí đe dọa cựu tổng thống.

Một chiếc xe biểu tình đậu trước tư dinh của cựu tổng thống Moon Jae-in ở làng Pyeongsan, tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc, ngày 25/5. Ảnh: Yonhap.

Một chiếc xe biểu tình đậu trước nhà của cựu tổng thống Moon Jae-in ở làng Pyeongsan, tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc, ngày 25/5. Ảnh: Yonhap.

Những người biểu tình gần nhà ông Moon chủ yếu trên 60 tuổi, một số còn lợi dụng việc này để livestream trên YouTube và cảm thấy cần phải có những hành động cực đoan hơn để “câu view”.

“Đối với các YouTuber, những cuộc biểu tình này liên quan đến sinh kế. Họ nhận tiền ủng hộ từ người xem và kiếm thêm nhờ quảng cáo”, nhà bình luận Oh Byung-sang viết trên tờ JoongAng Daily tháng trước, nói thêm rằng những video như vậy “đổ thêm dầu vào ngọn lửa thù hận trong nền chính trị Hàn Quốc”.

Nhóm biểu tình phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế từ ông Moon. Gia đình ông đã trình báo cảnh sát, cáo buộc họ phỉ báng, đe dọa giết người và kích động bạo lực tập thể. Dân làng Pyeongsan cũng tự treo các biểu ngữ phản đối biểu tình trước nhà.

Trước phản ánh từ dân làng, cảnh sát đã có một số biện pháp can thiệp, khiến các cuộc biểu tình giảm dần vào tuần trước, nhưng vẫn có khoảng 20 người kiên trì bám trụ trước nhà ông Moon.

Khi được hỏi về yêu cầu ngăn chặn nhóm biểu tình quấy rối người tiền nhiệm, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng hiến pháp Hàn Quốc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và hội họp.

“Các cuộc tụ họp được phép diễn ra, ngay cả bên ngoài văn phòng tổng thống”, ông Yoon nói. “Mọi việc sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đức Trung (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*