Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2021, số lượng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống được người tiêu dùng Việt Nam mua và đi đăng kiểm lần đầu tiên đạt 318.704 xe các loại. Đứng đầu về tỷ lệ người tiêu dùng mua xe nhiều nhất là Hà Nội với 50.928 xe.
Xếp thứ hai là TP. HCM với 32.403 xe; thứ ba là Hải Phòng với 16.996 xe; thứ tư là Nghệ An với 14.628 xe và thứ năm là Bình Dương với 11.096 xe. Thanh Hóa với 10.963 xe, xếp thứ 6.
Khi các dữ liệu này được công bố, Nghệ An là địa phương gây bất ngờ khi không phải là tỉnh có thu nhập vào hàng cao nhưng lại mua xe hơi nhiều. Tuy nhiên, số mua ô tô năm 2021 thì có thể chưa phản ánh được chính xác việc mua sắm ô tô bằng tỷ lệ hộ dân sở hữu xe hơi của các địa phương.
Xét về tỷ lệ hộ dân sở hữu xe hơi nhiều nhất theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, Nghệ An vẫn nằm trong top 10, xếp hạng cao hơn TP. HCM, đứng ở vị trí thứ 11.
Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Nghệ An chỉ đứng thứ 47 về thu nhập bình quân đầu người với 3,004 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, Nghệ An lại xếp trên Bình Dương, tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất cả nước, về tỷ lệ sở hữu xe hơi.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Về vị trí địa lý, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Nghệ An có số dân đứng thứ 4 cả nước với 3.327.791 người, trong đó nam là 1.672.901 người, nữ là 1.654.890 người.
Dân số Nghệ An chỉ xếp sau TP. Hồ Chí Minh 8.993.082 người, Hà Nội 8.053.663 người và Thanh Hóa 3.640.128 người. So với điều tra cách đây 10 năm (2009), dân số Nghệ An tăng 415.930 người, tương đương với tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,33%.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An cuối năm 2021 còn 2,74%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%. Tỉnh Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước.
Xét về tốc độ tăng trưởng GRDP, tỉnh Nghệ An đạt trung bình gần 7% từ năm 2016 – 2021. Năm 2021 tốc độ tăng GRDP trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 6,2% đứng thứ 22/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 3 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Đối với vấn đề việc làm, trong năm 2021, theo UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh đang dẫn đầu cả nước về số người đi làm việc ở nước ngoài. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.294 người (vượt 4.66% kế hoạch). Trong đó, tỉnh có 11.210 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Đáng chú ý, số lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề chiếm khoảng trên 60%, mức kiều hối bình quân gửi về nước từ 15 – 30 triệu/người/tháng. Vì có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài nên trung bình mỗi năm có hàng trăm triệu USD kiều hối được gửi về địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kiều hối gửi về trong năm 2021 giảm đi đáng kể. Cụ thể, lượng tiền kiều hối gửi về tỉnh Nghệ An năm 2021 đạt khoảng 450 triệu USD, giảm 50 triệu USD so với năm 2020.
Mặt khác, theo kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Nghệ An nằm trong top 5 địa phương có số người di cư cao với hơn 105 nghìn người. Nghệ An chỉ xếp sau các tỉnh Thanh Hoá (141 nghìn người), An Giang (gần 139 nghìn người) và TP. HCM (hơn 131 nghìn người) về số người di cư.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
https://babfx.com/dia-phuong-co-thu-nhap-binh-quan-dung-thu-47-63-tinh-thanh-lot-top-10-ve-so-huu-o-to-co-gi-dac-biet-20220608103951401.chn
Theo Anh Tuấn
Tổ Quốc
Để lại một phản hồi