Doanh nghiệp vận tải trước bão giá xăng dầu: Hết ngưỡng chịu đựng

Nguy cơ phá sản

Với hơn 40 đầu xe container, trước đây mỗi tháng Công ty Vận tải Lâm Vinh (quận 7, TPHCM) tiêu thụ hết khoảng 80.000 lít dầu, chi phí khoảng 600 triệu đồng thì nay chi phí tăng gấp 3 lần lên khoảng 1,6- 1,7 tỷ đồng/tháng, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty, nói. “Đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35 – 40% chi phí vận hành, chưa kể phí cầu đường và nhiều loại thuế phí khác. Trước mua thùng dầu chỉ tốn khoảng 170 triệu đồng, giờ tăng lên hơn 400 triệu. Đây là con số rất khủng khiếp. Thời gian qua giá dầu tăng hơn 100%, trong khi giá cước tăng không đáng kể khiến DN chỉ hoạt động cầm chừng”, ông nói.

Không chỉ DN vận tải hàng hóa, các DN vận tải hành khách ở TPHCM cũng đang điêu đứng khi giá nhiên liệu liên tục lập đỉnh mới. Ông Đào Ngọc Tuấn, chủ nhà xe Tuấn Duyên, chạy tuyến TPHCM – Hà Nội cho biết, lượng khách đi xe hiện nay so với trước dịch chỉ bằng 40%, trong khi đó, chạy một chuyến xe khứ hồi TPHCM – Hà Nội chỉ tính riêng tiền dầu đã xấp xỉ 30 triệu đồng (khoảng 1.200 lít dầu). Cộng với tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, tiền thu phí…, tổng chi phí là khoảng 45 triệu đồng.

Điều khiến ông Tuấn lo lắng nhất lúc này là nếu giá xăng dầu tiếp tục leo cao, chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhà xe sẽ không thể cầm cự được. Theo lẽ thường, giá nhiên liệu tăng thì tăng giá vé để bù đắp nhưng trên thực tế, lượng khách còn quá thấp, việc điều chỉnh lúc này là không khả khi, thậm chí có nguy cơ mất khách.

Ông Tuấn đã nghĩ đến phương án bán xe nhưng với tình cảnh hiện tại, khó tìm được người mua giá cao. Dù nợ nần chồng chất nhưng nhiều nhà xe vẫn cắn răng chạy chịu lỗ, bởi dừng xe thì sẽ phá sản. “Hiện tại, mỗi chuyến xe xuất bến chỉ mong tiền bán vé đủ chi phí trả nhân công và xăng dầu, có những chuyến xe lỗ phải chấp nhận”, ông Tuấn ngán ngẩm nói.

Tìm cách thích ứng

Doanh nghiệp vận tải trước bão giá xăng dầu: Hết ngưỡng chịu đựng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp vận tải chật vật tìm cách thích ứng với giá xăng dầu tăng phi mã. Ảnh: Ngô Bình

Vì lỗ nên nhiều DN vận tải hoạt động cầm chừng để “trả nợ” các hợp đồng đã ký nhằm giữ chân khách hàng và chờ cơ hội đàm phán hợp đồng mới với giá cước mới có tính đến yếu tố biến động giá nhiên liệu vào. Bên cạnh đó, theo ông Lâm Đại Vinh, DN vận tải sẽ phải xem lại các mặt hàng vận chuyển. “Nếu có lãi mới nhận đơn, không thì thôi, hạn chế các đơn hàng ở xa để hạn chế việc phải chạy xe rỗng”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, để ứng phó tình trạng xăng dầu tăng giá, DN cũng đã thay đổi phương tiện mới để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý để cắt giảm chi phí đầu ra. Đồng thời, cắt giảm lợi nhuận để đồng hành với khách hàng qua giai đoạn khó khăn, ông Vinh nói.

Nhằm ứng phó giá nhiên liệu tăng cao, ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Á Châu (quận 12, TPHCM), đặt mua thêm hàng chục xe đầu kéo và container dài 17m thay vì 12m như thông thường. Việc dùng thùng container dài sẽ tăng sức chứa hàng hóa cho các chuyến vận chuyển đường dài nhằm kéo giảm chi phí. “Chúng tôi cố gắng để thích ứng, tăng khả năng vận chuyển của mỗi chuyến hàng, cố gắng gom nhiều đơn hàng vào một chuyến xe để không tăng giá cước trong giai đoạn này”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Lâm Hải, Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, cho hay, đợt giá xăng dầu tăng mạnh từ đầu tháng 3 đến nay, bến xe đã nhận được 66/153 đơn vị gửi kê khai, điều chỉnh giá vé mới. Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Bến xe Miền Tây, nói rằng, lượng khách đến bến xe hiện nay khoảng 17.000 người, đạt khoảng 50% so với trước dịch. Từ tháng 3, khi xăng dầu tăng giá mạnh, có 51/127 nhà xe đã tăng giá vé từ 10-20%.

Nhiều trạm xăng dầu ở Lào đóng cửa, dân xếp hàng chờ mua xăng

Theo Ngô Bình – Hoàng Trang

Tiền Phong

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*