. |
Đó là yêu cầu của Quốc hội với lĩnh vực giao thông, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ ba, thông qua chiều 16/6.
Sau chất vấn, Quốc hội nêu 5 yêu cầu với lĩnh vực này.
Một, đẩy nhanh việc phê duyệt và triển khai các dự án giao thông theo đúng yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án kết nối vùng, bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng công trình, phù hợp với các quy hoạch liên quan và không gian phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án; khẩn trương nghiên cứu đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là về chính sách, pháp luật phục vụ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Hai, kiểm soát chặt chẽ nội dung, thời gian, phương thức áp dụng các cơ chế đặc biệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện dự án, từ bước khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán đến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công; từ kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào đến kiểm soát quy trình thi công, công tác nghiệm thu; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn những chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực để chủ động phòng ngừa; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các dự án trọng điểm trong quá trình triển khai.
Bốn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án giao thông, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khảo sát cụ thể về trữ lượng, chất lượng và cự ly vận chuyển nguồn vật liệu. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho xây dựng công trình giao thông theođúng quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu và xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, cơ sở pháp lý để có thể sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án xây dựng công trình giao thông. Có chính sách khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thi công, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước. Tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng. Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Đến năm 2025 cắt giảm 20% chi phí tuân thủ
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm.
Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ, làm giàu đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản, đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phấn đấu thực hiện từng bước đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường, Quốc hội yêu cầu.
Sau chất vấn, Quốc hội cũng lưu ý xây dựng và quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển quy mô thành viên và tăng nhanh tỷ trọng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; phấn đấu đến hết năm 2025, có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp.
Yêu cầu với lĩnh vực này còn có tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị. Tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của hệ thống thương nhân tại cơ sở, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong tham gia chuỗi giá trị về nông sản.
Củng cố, tổ chức lại hệ thống cung ứng và phân phối sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản, tăng cường chế biến sâu. Thực hiện các giải pháp đột phá để gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp; chú trọng đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu tập trung, vùng xuất khẩu nông sản có chỉ dẫn địa lý. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và triển khai đề án chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch và các đề án cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu kết hợp với phát triển thị trường trong nước.
Nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh vànhóm sản phẩm chủ lực địa phương – OCOP; phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Xây dựng, khẩn trương thực hiện đề án tạo dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, Nghị quyết nêu rõ.
Sau chất vấn, Quốc hội còn lưu ý đánh giá chính xác tình hình thế giới và nhu cầu trong nước, cân đối, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào. Không để xảy ra tình trạng thiếu chủ động về giống và vật tư nông nghiệp. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước và phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; khuyến khích sản xuất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có sản phẩm trọng điểm của sản xuất nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm.
Yêu cầu nữa được nêu tại nghị quyết là rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bố trí, cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách đã được ban hành. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông – lâm – thủy sản phục hồi, phát triển sau dịch COVID-19 và tiếp cận xu thế chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, sinh thái.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép, kiểm dịch thực vật và động vật; phấn đấu đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục quy định, 20% chi phí tuân thủ, Quốc hội nêu rõ yêu cầu sau chất vấn.
Để lại một phản hồi