Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
“Phải hình thành hành lang kinh tế, dựa vào đó quy hoạch, phát triển theo quy hoạch và thu hồi các giá trị địa tô tăng lên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một trong 4 cách tiếp cận của chủ trương đầu tư 2 dự án, đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đang trình Quốc hội xem xét.
Với cách tiếp cận này, việc đầu tư, phát triển dự án sẽ vừa theo quy hoạch, nhưng phải thu hồi lại giá trị địa tô mà nhà nước đã tạo ra, thu hồi lại một phần cho ngân sách nhà nước.
“Giá trị địa tô được chia ra làm 3, một phần của nhà nước, một phần của nhà đầu tư mà một phần của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
3 cách tiếp cận còn lại là đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng để giảm ùn tắc, cũng như ô nhiễm; mở rộng được không gian phát triển cho 2 thành phố lớn và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển giai đoạn tới.
Đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, có nhiều ý kiến trong các cuộc thảo luận.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận 10/6 về các dự án đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội |
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội thậm chí cho rằng, Hà Nội, TP.HCM đang là điểm nghẽn quan trọng, đang lúng túng về định hướng phát triển.
Theo đại biểu Lộc, Hà Nội, TP.HCM đang như những thỏi nam châm hút về mình kể cả những ngành công nghiệp và dịch vụ có năng lực cạnh tranh thấp, có giá trị gia tăng không đáng kể và không kết nối được có tính chất lan tỏa trong cả vùng và cả nước.
Khai thông được các tuyến giao thông của Hà Nội, của TP.HCM, sẽ hình thành được các đô thị vệ tinh của các khu vực này và kết nối với cả nước thì sẽ tạo ra một tác động lan tỏa trong sự phát triển của cả khu vực.
“Khi đó, Hà Nội, TP. HCM có thể tập trung vào những mũi nhọn của nền kinh tế trí tuệ, của nền kinh tế số. Sự phát triển thương mại công nghiệp với giá trị gia tăng thấp hơn sẽ trải về các vùng ngoại vi, để đảm bảo rằng, chúng ta có một cơ chế có hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay. Việc giải tỏa những điểm nghẽn hiện nay của giao thông ở Hà Nội và TP. HCM cũng là cách thức để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta”, ông Lộc nhấn mạnh quan điểm.
Đặc biệt, Hà Nội, TP. HCM không phải chỉ có đóng vai trò dẫn dắt và có năng lực cạnh tranh trong nước mà còn phải xứng tầm và cạnh tranh được với các trung tâm đô thị, các thành phố hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Phát triển các tuyến đường giao thông kết nối 2 thành phố với cả khu vực chính là một giải pháp quan trọng để thực hiện được yêu cầu này.
Nhưng cũng chính vì cách tiếp cận này, các đại biểu đặt yêu cầu về tính khả thi và tiến độ thực hiện dự án. Lo ngại lớn nhất nằm ở tốc độ giải phóng mặt bằng và khả năng hấp thụ vốn của cá dự án.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) |
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đồng tình với cách chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công tư giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ cho dự án đường Vành đai 4.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai. Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.
“Để triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu nêu trên, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng, vì diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, khoảng gần 1.400 hecta, thời gian từ nay đến năm 2024 phải hoàn thành”, đại biểu Thắng đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) đề xuất một cơ chế thống nhất về đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến và đặc biệt là phải có một Ban Chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền. Ông kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho Ban Chỉ đạo này và với các vấn đề phát sinh mới thì chỉ cần báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét và ra quyết định…
Liên quan đến việc khai thác 2 dự án, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội cũng nhìn nhận, việc triển khai được dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm vài ngàn hecta đất trở thành “đất vàng, đất bạc”, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… giá trị địa tô các cùng mở rộng đó sẽ tăng cao, rất cao.
“Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của dự án quan trọng này”, đại biểu Trí đề nghi,
Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận, giải phóng mặt bằng là một nút thắt rất lớn, ảnh hưởng không phải chỉ đến đầu tư công mà ảnh hưởng đến tất cả các nguồn vốn của xã hội.
“Nếu làm nhanh thì hiệu quả cao, chúng ta không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức, không làm xáo trộn sự ổn định đối với người dân, nhưng làm chậm thì sẽ ngược lại”, ông Dũng nhắc đến khả năng có thể xảy ra.
Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của Dự án và cả khả năng thu hút các nhà đầu tư.
“Nếu các nhà đầu tư nhìn thấy dự án chúng ta đã giải phóng mặt bằng sạch rồi hoặc hỗ trợ thì thu hút rất dễ, còn nếu chúng ta không làm được và làm chậm thì sẽ giảm hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, Bộ trưởng làm rõ.
Như vậy, khả năng hấp thụ vốn của Dự án sẽ đảm bảo theo yêu cầu các địa phương đã cam kết việc bố trí vốn và tiến độ thực hiện theo đúng tinh thần đến năm 2026 sẽ xong. Nghĩa là, trong 2 năm 2022 và 2023 tập trung vào thủ tục giải phóng mặt bằng, 2024-2026 tập trung vào thi công.
Theo lịch trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM vào thứ 5 tới, ngày 16/6.
Để lại một phản hồi