Lo ngại về 26 tỷ USD vũ khí Mỹ bơm cho Ukraine

Xung đột Ukraine đã kéo dài gần 4 tháng, khiến khoảng 13 triệu người dân nước này phải sơ tán, cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, song vẫn chưa đi đến hồi kết. Nhờ các loại vũ khí hiện đại được phương Tây hỗ trợ, quân đội Ukraine đến nay vẫn giữ vững được phần lớn phòng tuyến, bất chấp sức ép lớn của lực lượng Nga.

Binh sĩ Mỹ kiểm tra đạn dược, vũ khí và các thiết bị khác trước khi chuyển cho Ukraine. Ảnh: Không quân Mỹ.

Binh sĩ Mỹ kiểm tra đạn dược, vũ khí và các thiết bị khác trước khi chuyển cho Ukraine. Ảnh: Không quân Mỹ.

Theo Trung tâm Chính sách Quốc tế (CIP), tổ chức có trụ sở tại Washington chuyên giám sát chi tiêu quân sự và vũ khí của Mỹ, quốc hội nước này đã thông qua khoản viện trợ có tổng trị giá 54 tỷ USD, trong đó 26 tỷ USD khí tài quân sự, cho Ukraine kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi tháng hai.

“Nếu nhìn vào quy mô, phạm vi và tốc độ, hoạt động chuyển vũ khí này thực sự đáng kinh ngạc”, Hanna Homestead, chuyên gia từ CIP, nhận xét. “Gói viện trợ quân sự cho Ukraine lớn hơn rất nhiều hạng mục khác trong ngân sách Mỹ”.

“Chúng ta chỉ phân bổ một tỷ USD cho các vấn đề khí hậu, thứ có ảnh hưởng thực sự quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, còn ngân sách cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chỉ là 24 tỷ USD”, Homestead nói thêm.

Tuần trước, Mỹ cam kết viện trợ thêm một tỷ USD vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhanh chóng những khí tài uy lực hơn để đối phó đà tiến của Nga ở miền đông.

Gói viện trợ mới, trong đó có cam kết trang bị pháo tầm xa và tên lửa chống hạm cho Ukraine, được công bố sau cuộc họp giữa Mỹ với các đồng minh NATO ở Brussels, Bỉ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh cam kết này, khẳng định những vũ khí mới sẽ tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia.

Theo CIP, gói khí tài 26 tỷ USD Mỹ chuyển cho Ukraine gồm có máy bay trực thăng, máy bay không người lái, hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), lựu pháo M777, tên lửa Javelin, súng trường và đạn dược.

“Đây chắc chắn là khoản viện trợ lớn nhất mà Mỹ từng cung cấp cho một quốc gia, thậm chí còn nhiều hơn cả khoản chúng ta đã gửi tới Afghanistan trong thời kỳ cao điểm của quá trình tái thiết”, Homestead nói.

Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ giám sát đường đi và quá trình sử dụng số khí tài khổng lồ như vậy.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm 19/4 thừa nhận nước này mất dấu nhiều khí tài chuyển tới Ukraine. “Nó giống như một cái hố đen, hoàn toàn không nắm được gì chỉ sau thời gian ngắn”, quan chức này nói.

Những khí tài nhỏ gọn, dễ mang vác và phân tán như tên lửa Javelin và Stinger, cũng như súng bộ binh và đạn, rất khó theo dõi một khi chúng được chuyển tới vùng chiến sự. Tên lửa Javelin có mã số nhận diện, nhưng gần như không có cách theo dõi hoạt động chuyển giao và sử dụng chúng trong thời gian thực.

“Việc giám sát rất khó khăn”, Homestead nói. “Có rất nhiều rủi ro và hệ lụy khi đưa vũ khí vào vùng giao tranh, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp và với số lượng khổng lồ như vậy”.

“Có rất nhiều mối lo ngại liên quan đến việc theo dõi và đảm bảo rằng những vũ khí này sẽ đến nơi mà chúng được cho là thuộc về và không rơi vào tay kẻ xấu”, bà cho biết thêm.

Thượng nghị sĩ Rand Paul hồi tháng 5 tìm cách yêu cầu Mỹ bổ nhiệm một tổng thanh tra chịu trách nhiệm giám sát việc chi tiêu và vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho mượn, cho thuê vũ khí với Ukraine mà không kèm điều khoản này.

Thực tế đó khiến chuyên gia của CIP lo ngại về nguy cơ vũ khí hiện đại của Mỹ bị các nhóm buôn lậu tuồn ra khỏi Ukraine, thậm chí rơi vào tay kẻ xấu.

“Các đường dây buôn bán vũ khí bất hợp pháp ở Ukraine đã tồn tại từ thập niên 1990. Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều vũ khí ở Ukraine đã được chuyển đến khắp nơi trên thế giới”, Homestead cho hay.

Mỹ dường như cũng hiểu rõ những lo ngại này, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro mất dấu vũ khí, khi xác định khí tài hiện đại là yếu tố sống còn giúp Ukraine kháng cự trước đà tiến của lực lượng Nga hiện nay.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định Mỹ chuyển giao những vũ khí mà Ukraine yêu cầu, song không thể buộc họ phải biên chế số khí tài này cho một vài đơn vị nhất định hay đặt ra các ràng buộc khác. “Người Ukraine sẽ quyết định điểm đến và đơn vị vận hành chúng”, Kirby nói.

Ukraine đến nay chưa bình luận về thông tin trên, nhưng liên tục đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí “không ngừng nghỉ” để có cơ hội đảo ngược cục diện trên chiến trường.

Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ cho Ukraine đến tháng 9. “Tôi biết rằng số vũ khí và hỗ trợ nhân đạo mà chúng ta đã cung cấp cho Ukraine đến nay đã tạo ra khác biệt lớn”, chuyên gia Homestead nói. “Nhưng tôi thực sự không rõ cuộc chiến sẽ đi về đâu khi chúng ta cắt viện trợ cho Ukraine”.

Vũ Hoàng (Theo ABC News)

  • Nga nỗ lực tuyển quân giữa chiến sự Ukraine
  • Nga tiếp tục tung đòn khí đốt với châu Âu
  • Châu Âu chia rẽ vì hệ lụy từ xung đột Ukraine
  • Xung đột Ukraine thổi lửa khủng hoảng lương thực toàn cầu
  • Bước ngoặt có thể định đoạt cục diện chiến trường Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*