Nhà chức trách Quảng Đông hôm 21-6 cho biết mưa lũ nghiêm trọng đã buộc 177.600 người sơ tán, phá hủy 1.729 ngôi nhà, gây thiệt hại hơn 27,13 ha diện tích cây trồng. Ước tính thiệt hại kinh tế do thiên tai là hơn 250 triệu USD.
Quảng Đông là 1 trong 7 tỉnh ghi nhận lượng mưa cao hiếm thấy và lở đất nghiêm trọng. Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, lượng mưa trung bình ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 đạt 621 mm, cao nhất kể từ năm 1961.
Mưa lớn được dự báo sẽ còn tiếp tục ở các tỉnh Quý Châu, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang và Quảng Tây. Đầu tháng 6, những trận mưa lớn ở miền Nam Trung Quốc khiến ít nhất 32 người thiệt mạng. Điều đáng lo là các chuyên gia cảnh báo thời tiết khắc nghiệt đang xuất hiện thường xuyên hơn tại Trung Quốc.
Một khu vực ngập lụt ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) hôm 19-6 Ảnh: CFP
Tại Ấn Độ và Bangladesh, ít nhất 116 người thiệt mạng vì lũ lụt, sét đánh và lở đất kể từ khi mưa lớn bắt đầu vào tháng rồi. Hàng trăm ngàn người đã được sơ tán nhưng hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thiên tai làm ngập đường sá, phá hỏng hệ thống điện và liên lạc.
Riêng ở Ấn Độ, giới chức bang Assam hôm 20-6 cho biết lũ lụt hoành hành tại toàn bộ 33 huyện của bang này và khiến ít nhất 73 người thiệt mạng. Bang lân cận Assam là Meghalaya cũng chứng kiến các trận mưa lớn chưa từng có trong nhiều năm qua, làm ít nhất 5 người thiệt mạng và khiến nước láng giềng Bangladesh bị ảnh hưởng.
Ông Tarekul Islam, chuyên gia tại Viện Quản lý nguồn nước và lũ lụt thuộc Trường ĐH Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh, cho biết mưa lớn nói trên đã khiến vùng Sylhet bị ngập.
Đây cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước lũ trên sông Brahmaputra và các con sông khác tràn bờ, gây ngập phần lớn đất nước vào tháng rồi. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 20-6 cho biết trận lụt hồi tháng 5 khiến 38 người thiệt mạng và hơn 4 triệu người mất nhà cửa, trong đó có 1,6 triệu trẻ em.
Để lại một phản hồi