Nga xem xét động thái có thể buộc NATO trục xuất ba thành viên

“Theo điều 6 trong Hiến chương NATO, các vùng lãnh thổ tranh chấp không thể được đưa vào liên minh. Ngay khi lãnh thổ của các nước Baltic được xác nhận có tranh chấp, điều này sẽ thành cơ sở để loại ba nước khỏi NATO”, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Yevgeny Fedorov nói với một hãng tin Latvia hôm 15/6.

Ông Fedorov tuần trước cáo buộc Litva rời Liên Xô bất hợp pháp hơn ba thập kỷ trước vì không tổ chức trưng cầu dân ý.

Litva hồi tháng 3/1990 trở thành nước cộng hòa đầu tiên tuyên bố khôi phục nền độc lập khỏi Liên Xô sắp tan rã. Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev công nhận chủ quyền của Litva hồi tháng 9/1991.

Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga còn khẳng định Litva là mục tiêu hàng đầu Moskva có thể nhắm vào, vì nước này là mối đe dọa lớn nhất với Moskva và là “cửa ngõ cho NATO đi vào vùng Baltic”.

“Tổng tư lệnh đã xác định lằn ranh đỏ của chúng tôi là biên giới của NATO vào năm 1997. Điều này có nghĩa là ít nhất chúng tôi cần đẩy NATO ra ngoài biên giới của Liên Xô cũ”, ông Fedorov nói, nhắc đến thời kỳ trước khi các nước Đông Âu gia nhập NATO.

Quốc kỳ Estonia, Latvia và Litva tại Riga, Latvia. Ảnh: MPI.

Quốc kỳ Estonia, Latvia và Litva tại Riga, Latvia. Ảnh: MPI.

Ông Fedorov cảnh báo nếu Nga đảo ngược quyết định công nhận độc lập của các nước Baltic, thì NATO nên loại những nước này khỏi liên minh hoặc chấp nhận “Thế chiến III sẽ bắt đầu”.

Litva, Latvia và Estonia, các nước có chung biên giới với Nga hay Belarus, gia nhập NATO vào năm 2004. Ba quốc gia chưa bình luận về phát ngôn của quan chức Nga.

Bất chấp lời cảnh báo cứng rắn từ Nga, các chuyên gia nhận định nước này khó có khả năng buộc NATO phải trục xuất thành viên.

“Thứ nhất, NATO sẽ không đẩy bất cứ nước nào khỏi liên minh. NATO là kết quả của Hiệp ước Washington, vì vậy cách duy nhất để một thành viên NATO rời liên minh là do họ tự lựa chọn. Thứ hai, Mỹ chưa bao giờ công nhận sự hợp nhất của các nước Baltic vào Liên Xô”, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Âu và NATO Michael Ryan nhận định.

Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5 cũng nộp đơn gia nhập NATO, kết thúc nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập của hai quốc gia Bắc Âu. Tuy nhiên, Thụy Điển và Phần Lan cần được 30 thành viên NATO chấp thuận, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cáo buộc hai nước Bắc Âu “chứa chấp khủng bố”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ trích Phần Lan và Thụy Điển xin vào NATO, nhưng cảnh báo hoạt động mở rộng hạ tầng quân sự trên lãnh thổ hai quốc gia này sẽ kích hoạt phản ứng từ Moskva.

7 thập kỷ đông tiến của NATO. Đồ họa: Statista

7 thập kỷ đông tiến của NATO. Đồ họa: Statista

Ngọc Ánh (Theo Fox News)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*