Ngân hàng Trung ương Châu Âu phát tín hiệu tăng lãi suất vào tháng 7

eu
Một số thành viên Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu đã sẵn sàng cho phương án tăng lãi thuất thêm 50 điểm cơ bản. Ảnh: AFP

Cuộc họp ngày 9/6 tại Amsterdam là cuộc họp chính sách đầu tiên bên ngoài Frankfurt của Ngân hàng Trung ương Châu Âu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã xác lập kỷ lục mới vào tháng 5/2022 với mức 8,1%, theo số liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê Châu Âu. Con số này đã vượt cả mốc kỷ lục 7,4% của tháng 4 và đồng thời cao hơn mức dự báo 7,8%.

Theo định hướng thị trường tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, một đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 7 bởi cơ quan này trước hết cần chính thức chấm dứt chương trình mua vào tài sản mà họ đã áp dụng trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Ông Mark Wall, chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank, cho biết: “Một số thành viên Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã sẵn sàng cho phương án tăng lãi thuất thêm 50 điểm cơ bản”.

“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn đang đánh giá thấp lạm phát, nhưng chúng tôi hy vọng sự ủng hộ đối với phương án tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sẽ tăng lên vào mùa hè này”.

Trong khi đó, một số nhà phân tích khác dự đoán Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn vào tháng 9 tới.

Theo đài CNBC, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ công bố các dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát của khu vực Eurozone trong tuần này và các nhà giao dịch trên thị trường nên bám vào dự báo lạm phát năm 2024 bởi đây là cơ sở thiết lập mục tiêu lạm phát trung hạn của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu được cho là sẽ hạ dự báo tăng trưởng và nâng dự báo lạm phát lên, với tỷ lệ lạm phát năm 2024 có thể đạt mức 2%, bằng mục tiêu trung hạn của cơ quan này.

Lạm phát tăng cao liên tục là mối quan tâm hàng đầu của các thành viên Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

“Lạm phát không chỉ quá cao mà còn có độ phủ quá rộng”, ông Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, đánh giá tại một hội nghị ở Paris vào tuần trước. “Điều này đòi hỏi phải bình thường hóa chính sách tiền tệ – ý tôi là bình thường hóa chứ không phải thắt chặt”, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Pháp lưu ý.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*