Nhà đầu tư “quay xe” kéo USD lao dốc, giá vàng và Bitcoin tăng

Tuần này xuất hiện một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đó là giá dầu nói riêng và hàng hóa nói chung sụt giảm. Điều đó giúp làm giảm bớt lo ngại về lạm phát, đồng thời giúp thị trường chứng khoán hồi phục trở lại. Tuy nhiên, điều đó cũng làm giảm nhu cầu đối với những tài sản trú ẩn an toàn như đồng USD.

“Giá hàng hóa giảm có thể giúp kéo lạm phát giảm xuống theo, đặc biệt là vào những tháng mùa thu, từ đó làm giảm sự cấp thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ”, Karl Schamotta, chiến lược gia thị trường thuộc công ty Corpay ở Toronto, cho biết.

Nhà đầu tư quay xe kéo USD lao dốc, giá vàng và Bitcoin tăng - Ảnh 1.

Chỉ số giá hàng hóa tuần này giảm.

Theo ông Schamotta: “Với hy vọng đường cong lãi suất trung bình sẽ giảm xuống, những người tham gia thị trường đặt cược rằng Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ nhận thấy mình đã thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ – nhiều hơn mức cần thiết để ngăn chặn lạm phát cũng như so với kỳ vọng của người tiêu dùng – nên sau đó sẽ buộc phải đảo ngược xu hướng (thắt chặt tiền tệ)”.

Hiện thị trường đang nhận định có 73% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7 tới. Đối với cuộc họp tháng 9, thị trường dự đoán mức tăng lãi suất sẽ là 50 điểm cơ bản.

Do đó, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 24/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% xuống 104,06.

Đồng bạc xanh, một tài sản trú ẩn an toàn, tiếp tục trượt giá sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà mới ở Mỹ tăng 10,7% lên mức 696.000 căn trong tháng 5/2022 (so sánh với cùng kỳ năm trước).

Kết quả khảo sát về tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện cho thấy nhiều kết quả khác nhau, với tâm lý lạc quan trong tháng 6/2022 giảm xuống còn 50 điểm, so với mức 58 điểm cuối tháng 5/2022. Tuy nhiên, dữ liệu của tháng 6 cho thấy dự đoán về lạm phát trong giai đoạn 5 năm giảm đang giảm xuống mức 3,1%, so với ước tính 3,3% vào giữa tháng 6/2022.

Giá trị đồng USD hiện vẫn cao hơn khoảng 9% so với hồi đầu năm, nhưng đồng tiền này đã bớt “lấp lánh” kể từ khi các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược rằng Fed có thể làm chậm lại tốc độ thắt chặt lãi suất sau khi tăng thêm 75 điểm cơ bản trong tháng 7. Giờ đây, các nhà đầu tư tin rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 tới, khoảng 3,5%, và sau đó sẽ giảm gần 20 điểm cơ bản vào tháng 7/2023.

Nhà đầu tư quay xe kéo USD lao dốc, giá vàng và Bitcoin tăng - Ảnh 2.

Thị trường đang thu hẹp mức dự đoán về “đỉnh” của các đánh giá về lãi suất của Mỹ.

Việc thị trường đánh giá lại mức tăng lãi suất đã tác động tới thị trường trái phiếu kho bạc, làm cho trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, trong khi USD giảm 0,5% giá trị trong tuần này.

Tuy nhiên, hiện tại, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh cam kết “vô điều kiện” của ngân hàng trung ương trong Mỹ việc kiềm chế lạm phát. Tương tự, Thống đốc Fed, Michelle Bowman, cũng ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong “một vài cuộc họp tiếp theo” sau tháng Bảy.

Các nhà phân tích lưu ý rằng không chỉ đối với Mỹ, thị trường định giá lại tỷ lệ lãi suất ở tất cả các nước phát triển do lo ngại suy thoái gia tăng.

“Việc thị trường định giá lại tốc độ tăng lãi suất đã cản trở việc USD tăng, nhưng bù lại là giúp làm giảm nguy cơ suy thoái trên toàn cầu. Fed đang áp dụng khá nhiều chế độ tự “lái”. Nếu họ bỏ “phanh”, đà giảm giá của đồng USD sẽ được hạn chế”, chiến lược gia Stephen Gallo của BMO Capital Markets cho biết.

Đồng yên Nhật, nhạy cảm với những thay đổi về lợi suất trái phiếu Mỹ, đã giảm 0,2% xuống 135,20 JPY/USD trong phiên vừa qua. Trong khi đó, euro tăng 0,2% lên 1,0574 USD.

Sự trượt giá của đồng bạc xanh đã thúc đẩy ngay cả các loại tiền tệ liên quan nhiều đến hàng hóa như đô la Australia và crown của Na Uy. Đồng đô la Australia tăng 0,7% lên 0,6944 USD, mặc dù tính chung cả tuần giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Đồng crawn của Nga Uy phiên này tăng 1,0% lên mức 9,871 crown/USD, sau khi lãi suất được điều chỉnh tăng thêm 50 điểm cơ bản vào hôm thứ Năm (23/6). Đồng franc Thụy Sĩ chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 so với đồng euro, ở mức 1,0055, tăng 0,5% so với phiên liền trước.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng tăng lần đầu tiên trong vòng 3 lần do lo ngại về suy thoái có thể xảy ra. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 24/6 ấn định tỷ giá chung là 6,7, cao hơn 79 pip so với phiên liền trước; trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ tăng 41 pip lên 6.6957.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ngày 24/6 ở mức: 23.105 VND/USD (tăng 4 đồng so với phiên trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán). Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.940 đồng/USD và bán ra 23.970 đồng/USD, giá mua và giá bán cùng tăng 30 đồng so với phiên liền trước.

Nhà đầu tư quay xe kéo USD lao dốc, giá vàng và Bitcoin tăng - Ảnh 3.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục hồi phục mặc dù với tốc độ chậm. Lúc kết thúc ngày 24/6 theo giờ Việt Nam, Bitcoin ở mức 21.156 USD, một dấu hiệu cho thấy đồng tiền này có thể đã chạm đáy, mặc dù các biểu đồ phân tích cho thấy vẫn còn quá sớm để xu hướng giá đảo chiều từ giảm thành tăng.

Trong năm nay, Bitcoin đã mất 60% giá trị, tuần trước chạm mức thấp nhất trong vòng 18 tháng, là 17.592 USD.

Các nhà phân tích cho rằng Bitcoin cần phải vượt qua ngưỡng 24.640 USD mới có thể xác định xu hướng tăng. Nếu vượt qua đó, giá sẽ tiếp tục lên 29.725 USD.

Nhà đầu tư quay xe kéo USD lao dốc, giá vàng và Bitcoin tăng - Ảnh 4.

Giá Bitcoin ngày 24/6.

Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần do USD giảm và lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái khiến vàng lại trở nên hấp dẫn như một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, “bóng ma” lãi suất tăng khiến vàng trải qua tuần này giảm giá.

Giá vàng quốc tế giao ngay lúc kết thúc ngày 24/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,3% lên 1.828,59 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất 1 tuần, là 1.816,10 USD. Trái lại, giá vàng kỳ hạn tháng 8 phiên này giảm 0,1% xuống 1.828,60 USD.

Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities cho biết: “Có một loạt các yếu tố đang thúc đẩy giá vàng theo cả hai hướng, buộc kim loại này dao động trong biên độ hẹp”.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của Ngân hàng Commerzbank cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng vàng có một số khả năng vàng sẽ tăng giá nhẹ trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ, tạo ra một số khó khăn cho vàng”.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://babfx.com/nha-dau-tu-quay-xe-keo-usd-lao-doc-gia-vang-va-bitcoin-tang-20220625004707922.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*