Chan Chuen-bui, 71 tuổi, từng làm việc trong ngành trang trí nội thất, cho hay năm 1997, ông có thu nhập mỗi tháng 20.000-30.000 đôla Hong Kong (2.500 – 3.800 USD) và sống trong một căn nhà ở xã hội 28 m2 ở Kwai Chung, với tiền thuê khoảng 130 USD một tháng.
“Hồi đó không khó tìm việc và nếu chịu khó, bạn có thể sống khá thoải mái”, ông nói. “Nhưng bây giờ thì khác”.
Chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong ngày càng lớn từ khi thành phố trở về với Trung Quốc đại lục năm 1997 bởi nhiều nguyên nhân, từ toàn cầu hóa tới chính sách quản lý và giá nhà cao.
Kết quả là những người nghèo như ông Chan cảm thấy cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, dù họ làm việc rất chăm chỉ. Trong khi đó, phía bên kia thành phố, giới nhà giàu lại càng giàu hơn, thu nhập gấp hàng chục, hàng trăm lần người nghèo.
Ông Chan cho hay công việc trang trí nội thất của ông giảm hẳn sau năm 1997 vì giá bất động sản tăng khiến những người có thu nhập trung bình không còn khả năng mua nhà. Chan cũng phải chuyển khỏi căn hộ nhà ở xã hội sau khi ly hôn vợ.
Thu nhập của ông giảm từ 152 USD một ngày xuống dưới 114 USD, tới khi ông ngừng làm việc vì bệnh tăng nhãn áp. Người vợ thứ hai của ông, 50 tuổi, làm việc 6 ngày một tuần tại một cửa hàng hải sản khô và kiếm được 1.900 USD mỗi tháng.
Vợ chồng ông và con gái 12 tuổi sống chen chúc trong căn phòng chưa đầy 10 m2 ở Sham Shui Po, một trong những quận nghèo nhất thành phố, với tiền thuê 510 USD/tháng.
Thỉnh thoảng, ông Chan lại nhịn ăn để tiết kiệm tiền cho con đi học thêm. Hy vọng duy nhất của họ là con gái sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Số liệu năm 1997 cho thấy thu nhập hộ gia đình bình quân một tháng của 10% hộ giàu nhất Hong Kong là 9.000 USD, gấp 17 lần 10% hộ nghèo nhất. Đến năm ngoái, tỷ lệ chênh lệch này tăng lên 40 lần. Thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất tăng 71% lên 15.400 USD, còn những hộ nghèo nhất giảm 29%, còn 380 USD.
“Hong Kong giờ đây đã trở thành thành phố của người giàu. Nếu chính quyền không có chính sách thay đổi, bất bình đẳng sẽ tệ hơn tới khi đạt tới điểm mất cân bằng và dẫn tới khủng hoảng”, tiến sĩ Xu Xuoduo, phó giáo sư xã hội học Đại học Hong Kong, nói.
Theo Xu, bước ngoặt xảy ra những năm 1980, khi thành phố chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tập trung vào sản xuất sang phi sản xuất.
Từ đó trở đi, toàn cầu hóa trở thành động lực quan trọng dẫn tới bất bình đẳng thu nhập và Hong Kong không tránh khỏi ảnh hưởng, khi nhiều việc làm mất đi trên con đường phát triển.
Của cải bắt đầu tích lũy trong lĩnh vực tài chính, bất động sản và bảo hiểm, trong khi công nhân sản xuất mất việc và chuyển sang công việc thu nhập thấp như bồi bàn hay dọn dẹp.
“Thu nhập của tài xế xe tải trước đây rất khá”, Xu nói. “Nhưng chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã dẫn tới phân cực về việc làm và gia tăng bất bình đẳng thu nhập”.
Giáo sư Terence Chong Tai-leung, khoa kinh tế, Đại học Trung Quốc, cho hay giá nhà tăng vọt từ năm 2003, khi làn sóng người Trung Quốc đại lục đổ xô tới Hong Kong mua bất động sản.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 càng khiến khoảng cách giàu nghèo ở Hong Kong tăng lên, bởi một lượng lớn tiền đổ vào thị trường đặc khu, đẩy giá nhà và cổ phiếu lên cao, theo giáo sư Chong.
Khi Covid-19 bùng phát, người lao động thu nhập thấp phải đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong ngành xây dựng, bán lẻ và ăn uống, còn những người làm công việc lương cao như tài chính vẫn ổn định.
Nhiều đời lãnh đạo Hong Kong đã cam kết thực thi nhiều biện pháp hơn để giải quyết tình trạng đói nghèo, nhưng kết quả không như mong đợi. Tháng 8 năm ngoái, lãnh đạo cơ quan lao động và phúc lợi Hong Kong Law Chi-kwong thừa nhận chênh lệch giàu nghèo ở đặc khu là “sự thật không thể chối cãi” và “tồi tệ bậc nhất thế giới”.
Ông cho hay chính quyền Hong Kong đã cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng các chính sách phân phối lại thu nhập, như áp lương tối thiểu 3,6 USD một giờ năm 2011 và nâng lên 4,8 USD năm 2019, hay thực thi chính sách trợ cấp xã hội cho người già, gia đình thu nhập thấp.
Nhưng giáo sư Xu cho rằng những chính sách này chưa đủ, khi chênh lệch giàu nghèo vẫn ở mức cao và nhiều người Hong Kong còn không biết mình đủ tiêu chuẩn xin trợ cấp hoặc không được trợ cấp vì thủ tục hồ sơ rắc rối.
Theo báo cáo đói nghèo 2020 được Hong Kong công bố tháng 11 năm ngoái, thành phố có 1,65 triệu người, chiếm gần 24% dân số, sống dưới mức nghèo khổ, với thu nhập bằng một nửa so với hộ gia đình trung lưu. Năm 2009, Hong Kong ghi nhận 1,35 triệu người thuộc diện nghèo.
Wong Shek-hung, giám đốc chương trình Hong Kong, Macau và Đài Loan của Oxfam Hong Kong, tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo, cho hay khoảng cách giàu nghèo dẫn tới tình trạng “khó ba đời”.
“Khi chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, những người nghèo nhất dù có chăm chỉ làm việc tới đâu cũng không đủ nguồn lực để cải thiện đời sống và vươn lên trên nấc thang xã hội”, bà nói. “Nó trở thành vòng luẩn quẩn khiến người nghèo có thể vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi đói nghèo”.
Lý Gia Siêu, người sắp nhậm chức trưởng đặc khu Hong Kong, cam kết tiếp cận quản trị hành chính một cách hiệu quả, hứa hẹn giải quyết các vấn đề an sinh cấp bách và lĩnh vực phúc lợi đang khiến người dân lo lắng.
Anthony Wong Kin-wai, giám đốc kinh doanh Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong, cho rằng thành phố cần lập kế hoạch rõ ràng để xóa đói giảm nghèo và huy động các nguồn lực cần thiết để đạt được điều đó.
Theo ông, Hong Kong không nên phụ thuộc quá nhiều vào các ngành du lịch, tài chính và hậu cần, mà cần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác để tạo ra nhiều công việc có thu nhập cao, dù điều đó có thể ảnh hưởng tới vị thế trung tâm tài chính châu Á của thành phố.
Nhưng với những người như Chan Chuen-bui, tương lai đang trở nên mờ mịt. “Hong Kong đã trở thành nơi mà những người nghèo như tôi ngày càng khó sống hơn”, ông nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi