Ninh Bình gặp mặt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Ninh Bình hiện có 87 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 1,56 tỷ USD. Các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp ô tô, điện tử, công nghiệp giày da, may mặc, hóa mỹ phẩm…, giải quyết việc làm cho hơn 52.000 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2021, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp FDI chiếm trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,95 tỷ USD, chiếm 65,58% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách gần 4 triệu USD/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc thông tin tới các doanh nghiệp FDI quan điểm, chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh xác định công nghiệp vẫn là động lực, nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

Ninh Bình tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Phát triển hệ thống các khu, điểm du lịch khép kín, đồng bộ và đang tập trung thu hút các dự án dịch vụ, thương mại gắn liền với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tạo sức hấp dẫn và giữ chân du khách. Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm đặc hữu riêng có (OCOP), theo chuỗi khép kín, tuần hoàn.

Với những quan điểm, định hướng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục gắn bó, chia sẻ, đồng hành cùng với chính quyền thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc với các cấp chính quyền địa phương. Định kỳ vào ngày thứ Năm của tuần cuối tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, tiếp nhận và chỉ đạo xử lý, giải đáp những ý kiến góp ý, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Ninh Bình cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục tập trung cao trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ”, lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp FDI và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã cùng trao đổi, làm rõ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục thuê đất để khai thác nguyên liệu sản xuất xi măng; việc cấp phép xây dựng cảng…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng trên toàn diện các mặt phát triển của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong tổ chức vận hành doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn hiện nay.

Sau khi nghe một số ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhận định: Bên cạnh một số vấn đề doanh nghiệp kiến nghị mang tầm vĩ mô thì cũng có những kiến nghị rất cụ thể thuộc trách nhiệm của các cấp, ngành trong tỉnh. Vì vậy, các cấp, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận cùng tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết tận gốc vấn đề còn tồn tại.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành phải tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp, xem xét giải quyết sớm nhất. Đối với những kiến nghị thuộc tầm vĩ mô, cần tổng hợp để tham mưu, đề xuất về cơ chế, chính sách với cấp có thẩm quyền; UBND tỉnh định kỳ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những vấn đề khó khăn để cùng tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh cho các nhà đầu tư.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân loại các ý kiến, tham mưu cho UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các ngành xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra toàn diện năng lực của các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hình thành đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*