NSND Kim Cương: Việc kiểm toán khi làm công tác thiện nguyện như “cái thắng” để phanh chặn lòng tham khi mới bắt đầu nhen nhóm

NSND Kim Cương là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và được mệnh danh là “kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam. NSND Kim Cương cũng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Bà nổi tiếng qua những vở Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ…

Giống như trong một lần bộc bạch gần đây với báo giới, “cuộc đời Kim Cương có hai điều muốn làm là nghệ thuật và thiện nguyện”; quả thật tại giới nghệ sỹ ở miền Nam, ít người chăm chỉ làm từ thiện như bà.

Trong giai đoạn đầu làm thiện nguyện, bà chủ yếu tập trung vào giới văn nghệ sỹ nghèo – neo đơn, nhưng càng ngày, đối tượng giúp đỡ – hỗ trợ của bà càng mở rộng, ra thêm bệnh nhân nghèo – người tàn tật – trẻ mồ côi.

Chia sẻ trong buổi ra mắt Báo cáo Khảo sát thực tiễn về Hệ sinh thái Thiện nguyện tại Việt Nam do quỹ Hòa Bình và Phát triển tổ chức, bà bày tỏ: Có thể, vì là một nghệ sỹ có trái tim nhạy cảm, nên bà rất dễ xúc động và đồng cảm với nỗi đau của người trong cuộc – có khi còn lo lắng và nóng ruột hơn người trong cuộc. Theo bà, nhạy cảm quá cũng không tốt!

NSND Kim Cương: Việc kiểm toán khi làm công tác thiện nguyện như cái ‘thắng’ để ngăn chặn lòng tham khi nó mới bắt đầu nhen nhóm - Ảnh 1.

NSUT Kim Cương (bìa trái) trong buổi ra mắt Báo cáo Khảo sát thực tiễn về Hệ sinh thái Thiện nguyện tại Việt Nam.

Tôi luôn nhớ câu nói: ‘Con người ta sinh ra, không phải ai cũng có khả năng tạo ra hạnh phúc cho mình, nhưng luôn có khả năng khiến người khác hạnh phúc. Theo tôi, làm từ thiện thì không có thứ tự trước sau, mà mình làm được gì thì làm và qua quá trình công tác thiện nguyện, mình sẽ vỡ vạc ra nhiều chuyện và tự dưng sẽ hiểu biết hơn về công việc này.

Trong quá trình đi làm thiện nguyện, tôi luôn tâm niệm: cách cho quý hơn đồ cho, cái gì làm được cho người khác hạnh phúc hơn làm được cho mình.

Hạnh phúc của tôi khi đi làm công tác thiện nguyện không phải là chi tiền, mà là được nắm tay với những người yếu thế trong xã hội, được chia sẻ những nỗi đau của họ. Với tôi, đó là một món quà!“, NSND Kim Cương kể.

Thật ra, bà không tự làm từ thiện một mình, mà bao nhiêu tiền bà vận động và xin được, đều giao hết cho Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi.

Đầu năm 2022, bà cùng Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và Tập đoàn IMC đã thực hiện chương trình thiện nguyện ‘Trái tim yêu thương’ nhằm giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sau dịch Covid-19. Trong năm 2021, đã có không ít trẻ em, chỉ sau 1 tuần đã trở thành mồ côi khi mất cả ba lẫn mẹ. Đó là những mất mát không thể nói thành lời cho cả gia đình lẫn các em!

Vì nỗi đau quá lớn nên dù vận động được tài trợ và bước đầu có những kế hoạch dài hơi hơn, NSND Kim Cương vẫn đau đáu, chưa thấy an tâm cho đoạn đường sắp tới của các em.

Bà cho biết: ngoài số tiền 2 triệu đồng (nhận mỗi tháng cho đến năm 18 tuổi) và phần quà mà các con nhận được, với những trường hợp sắp bước vào đại học, nếu có thành tích học tập tốt, những nhà hảo tâm mà bà đã liên hệ hứa sẽ hỗ trợ để các em an tâm học hành.

NSND Kim Cương: Việc kiểm toán khi làm công tác thiện nguyện như cái ‘thắng’ để ngăn chặn lòng tham khi nó mới bắt đầu nhen nhóm - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, những trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 nếu muốn học thêm tiếng Anh, có thể liên hệ để NSND Kim Cương kết nối đến các trung tâm ngoại ngữ mà trước đó bà đã ngỏ lời.

Suốt hàng chục năm làm thiện nguyện, đây là công tác khó khăn nhất mà tôi đảm nhận. Chúng tôi hiểu được những khó khăn khi nuôi nấng một đứa trẻ với bao xúc cảm trong tâm hồn của bé. Chúng tôi có bao nhiêu khả năng để giúp cho các bé bước vào đời, chúng tôi sẵn sàng làm“, NSND Kim Cương khẳng định.

Ở khía cạnh khác, ngay từ những buổi đầu đứng ra kêu gọi tiền từ thiện, bà đã nghĩ là mình phải làm kiểm toán bài bản. Khi tham gia vào 2 hội, chuyện đầu tiên mà bà làm là tìm mọi cách để minh bạch – rõ ràng về tiền bạc. Cụ thể: bà hoặc bất cứ ai mua cái gì hoặc chi tiêu cho công việc gì, đều phải ghi chép và có hóa đơn rõ ràng.

Việc 2 hội mời kiểm toán mỗi tháng đã giúp họ và cả bà chưa từng bị bất cứ ai hoặc mạnh thường quân nào thắc mắc về chuyện tiền bạc.

Lúc tôi đề nghị việc thuê kiểm toán, cũng có một vài em ở trong 2 hội bảo: ‘Mình nghèo mà còn thuê kiểm toán làm gì cho tốn tiền chị ơi’. Tôi trả lời: ‘Việc thuê kiểm toán, dù tốn bao nhiêu cũng đáng giá, bởi nó quan trọng với người cho. Hơn nữa, mình cũng yên tâm và minh bạch, bởi tiền được chi đúng chỗ’. Ngoài ra, việc kiểm toán cũng là 1 cái ‘thắng’ ngăn chặn lòng tham khi nó mới bắt đầu nhen nhóm.

Con người ta, đứng trước 10 đến 100 đồng có thể không tham lam, nhưng đứng trước 1.000 đồng có thể ‘chạnh lòng’. Và không chỉ bản thân tôi, mà nhiều anh chị thường xuyên làm thiện nguyện như tôi, luôn thận trọng trong chuyện tiền bạc’, bà kết luận.

https://babfx.com/nsnd-kim-cuong-viec-kiem-toan-khi-lam-cong-tac-thien-nguyen-nhu-cai-thang-de-phanh-chan-long-tham-khi-moi-bat-dau-nhen-nhom-20220603182934318.chn

Quỳnh Như

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*