“Đầu tiên, tôi gửi lời chào chân thành đến toàn bộ người dân Hong Kong. Sau khi trở về với đất mẹ, người dân Hong Kong đã trở thành chủ nhân thực sự của chính thành phố này. Nền dân chủ của Hong Kong bắt đầu từ đây”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hôm nay trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong nhân kỷ niệm 25 năm đặc khu được Anh trao trả.
Ông Tập chúc mừng tân Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu và các quan chức chính quyền, đồng thời cảm ơn những người ủng hộ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở trong và ngoài nước.
“Mô hình này được 1,4 tỷ người dân Trung Quốc ủng hộ, được chứng thực bởi người dân Hong Kong và Macau, trong khi cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ sự đồng thuận. Không có lý do gì để thay đổi mô hình tốt đẹp như vậy, nó cần được ủng hộ lâu dài”, Chủ tịch Trung Quốc nói, thêm rằng áp dụng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ mang tới những cơ hội phát triển không giới hạn cho Hong Kong và Macau.
Ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “những người yêu nước” quản lý đặc khu. “Chính quyền phải nằm trong tay những người yêu nước. Không nơi nào trên thế giới cho phép người không yêu nước hay phản bội nắm quyền chính trị”, ông cho hay.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng nguyên tắc cơ bản của “một quốc gia, hai chế độ” là bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cũng như bảo đảm sự thịnh vượng, ổn định của Hong Kong.
“Bất kỳ điều gì được chính quyền trung ương thực hiện cũng là vì lợi ích của đất nước, Hong Kong và Macau, cũng như người dân. Tôi từng nói rằng chúng ta phải bảo đảm mô hình này không thay đổi”, ông Tập nói và tỏ ý hy vọng Hong Kong sẽ đạt được nhiều thành tựu trong quá trình chấn hưng Trung Quốc.
Bài phát biểu dài 22 phút đánh dấu kết thúc lễ kỷ niệm. Ông Tập rời hội trường và dự kiến đến thăm đơn vị quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong sau sự kiện.
Sau khi thực dân Anh đánh bại triều đình nhà Thanh trong chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất và thứ hai năm 1842 và 1860, lãnh thổ Hong Kong và Cửu Long được trao cho người Anh cai quản theo điều ước Nam Kinh và điều ước Bắc Kinh.
Đến năm 1898, London ký hiệp định về mở rộng chỉ giới Hong Kong với nhà Thanh, cho phép họ thuê lại đảo Lạn Đầu và các vùng lãnh thổ xung quanh, tạo thành Tân Giới rộng lớn hơn đặt dưới sự cai trị của người Anh, đồng thời cam kết sẽ trao trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Thỏa thuận thuê lãnh thổ này hết hạn vào ngày 30/6/1997.
Tháng 12/1984, Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thay mặt chính phủ hai nước ký Tuyên bố chung Trung – Anh, quyết định trao trả Hong Kong cho Bắc Kinh kể từ ngày 1/7/1997. Theo đó, Anh và Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận về vấn đề quốc tịch của người dân Hong Kong.
Khi Anh ngày 1/7/1997 trao trả Hong Kong cho Trung Quốc sau hơn 150 năm cai quản, nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” được thiết lập như nền tảng của mối quan hệ giữa đặc khu và đại lục. Dù là một phần của Trung Quốc đại lục, nguyên tắc trên giúp đặc khu hành chính Hong Kong duy trì mức độ tự trị nhất định trong 50 năm.
Vũ Anh (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi