Ông Tập: Khủng hoảng Ukraine cảnh tỉnh về mở rộng liên minh quân sự

“Cuộc khủng hoảng Ukraine một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại: Các quốc gia chắc chắn sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn nếu đặt niềm tin mù quáng vào vị thế sức mạnh của mình, mở rộng liên minh quân sự và theo đuổi an ninh cho mình bằng cách gây ảnh hưởng đến an ninh của nước khác”, Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp mới nổi BRICS hôm 22/6.

Ông Tập nói thêm lịch sử đã chỉ ra rằng chủ nghĩa bá quyền, chính trị nhóm và đối đầu giữa các khối sẽ không mang lại hòa bình hay ổn định, mà chỉ đem tới chiến tranh và xung đột.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các lãnh đạo hàng đầu từ Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. BRICS chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP của thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 17/6. Ảnh: Xinhua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 17/6. Ảnh: Xinhua.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng hai, họ đã gửi đề xuất an ninh với các “lằn ranh đỏ” cho Mỹ và NATO, trong đó có yêu cầu đảm bảo về mặt pháp lý rằng NATO không kết nạp thêm bất cứ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine và Gruzia, đồng thời không triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga. NATO phản hồi rằng họ không thỏa hiệp với Nga vì điều này mâu thuẫn với nguyên tắc cốt lõi của liên minh. Moskva sau đó chỉ trích phương Tây phớt lờ các lo ngại an ninh của họ.

Ba nước thành viên BRICS là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga và mua lượng lớn dầu, khí đốt từ nước này.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với Nga, gọi đây là “con dao hai lưỡi”.

Chủ tịch Trung Quốc tuần trước cam kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Moskva về chủ quyền và an ninh. Washington sau đó cảnh báo Bắc Kinh có nguy cơ “chọn về phía sai lầm của lịch sử”.

Mỹ và EU đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc không hậu thuẫn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hay giúp Moskva né các lệnh trừng phạt của phương Tây, nếu không sẽ dẫn tới tổn hại quan hệ.

Nga và Trung Quốc thời gian qua xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương “không có giới hạn”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.

Ngọc Ánh (Theo AFP, Xinhua)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*