OPEC+ có dấu hiệu “tan rã”

OPEC+ từng cắt giảm nguồn cung gần 10 triệu thùng dầu mỏ vào năm 2020 để cứu thị trường lao đáy. Ảnh: AFP
OPEC+ từng cắt giảm nguồn cung gần 10 triệu thùng dầu mỏ vào năm 2020 để cứu thị trường lao đáy. Ảnh: AFP

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) đã quyết định cắt giảm nguồn cung gần 10 triệu thùng dầu mỏ vào năm 2020 khi đại dịch Covid bùng phát toàn cầu khiến nhu cầu dầu mỏ “đóng băng”.

Ngày 2/6, liên minh OPEC+ tuyên bố họ sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 để chấm dứt việc cắt giảm sản lượng sớm hơn so với thỏa thuận trước đó. Cả dầu thô WTI và dầu thô Brent giao kỳ hạn đều tăng hơn 1% sau tuyên bố của OPEC+.

Ông Paul Sankey cho biết vấn đề lớn hiện nay laf các nước trong liên minh OPEC+ đã không đạt được mục tiêu của họ. Phát biểu trên đài CNBC hôm 3/6, ông Paul Sankey cho biết: “Toàn bộ hệ thống của OPEC lúc này đã tan rã”. Trước kia, OPEC có thể chi phối giá dầu bằng cách kiểm soát sản lượng, nhưng ông Sankey cho rằng thị trường dầu mỏ hiện nhận thấy các vấn đề về nguồn cung vẫn kéo dài, bất luận tuyên bố của OPEC+.

Nhà phân tích của Sankey Research cho biết, chỉ có 2 hoặc 3 quốc gia trong OPEC có khả năng dự phòng dầu mỏ. Đơn cử, Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu trong OPEC và là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, có công suất bổ sung khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, nhưng họ không muốn sử dụng tất cả nguồn cung này, ông Paul Sankey cho biết.

“Saudi Arabia phải đưa ra lựa chọn – liệu chúng ta có để giá dầu tiếp tục tăng cao trong khi duy trì mức công suất dự phòng siêu khẩn cấp, siêu khủng hoảng không”, ông Paul Sankey nêu. “Hay là chúng ta sẽ phải bơm thêm dầu cho thị trường và dẫn đến hiệu quả công suất dự phòng gần như bằng 0, và sau đó điều gì sẽ xảy ra nếu Libya cũng giảm xuống (công suất dự phòng – BTV)”, chuyên gia này nói thêm.

Trong khi đó, tháng trước Reuters đã đưa tin rằng bế tắc chính trị ở Libya khiến một phần các cơ sở dầu mỏ bị phong tỏa.

Đồng quan điểm với ông Paul Sankey, ông Dan Pickering, Giám đốc đầu tư tại Công ty tư vấn đầu tư năng lượng Pickering Energy Partners (Mỹ) cho biết OPEC không có nhiều công suất dôi dư, ngoại trừ các quốc gia như Saudi Arabia và UAE.

“Nó (liên minh OPEC+) sẽ chỉ còn một vài quốc gia và những gì họ sẵn sàng và có thể đưa ra thị trường. Và Nga sẽ rời khỏi liên minh này theo thời gian”, ông Dan Pickering nhận định. Chuyên gia này dự đoán, sản lượng dầu của Nga sẽ từ từ giảm “theo mặc định”. “Họ (Nga – BTV) sẽ trở nên ít liên quan hơn với liên minh OPEC+ khi châu Âu và nhiều nước trên thế giới bắt đầu trừng phạt Moscow”, ông Dan Pickering nói thêm.

Mức tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 của OPEC+ có tính cả sản lượng của Nga vốn bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong khi đó, bà Rachel Ziemba, nhà sáng lập Công ty phân tích rủi ro kinh tế Ziemba Insights, cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để hạ nhiệt thị trường.

Bất chấp những lo ngại về nguồn cung và giá dầu tăng kỷ lục, nhu cầu năng lượng vẫn không sụt giảm nhiều. Ông Dan Pickering đánh giá, nhu cầu Trung Quốc đang phục hồi và có xu hướng tăng lên sau dịch Covid-19. “Theo mùa, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh thường vào mùa hè [và] người dân đã bị dồn nén nhu cầu đi du lịch do Covid-19 trong vài năm qua”, ông Dan Pickering cho biết.

Vào tối ngày 4/6 (giờ châu Á), dầu thô Mỹ trượt giá 0,6% xuống 116,17 USD/thùng, còn dầu Brent giao dịch ở mức 117,05 USD/thùng, giảm 0,48%.

Ông Paul Sankey dự đoán giá xăng và dầu diesel sẽ tăng cao hơn nữa trong bối cảnh năng lực lọc dầu vẫn còn hạn chế.

Nhu cầu dầu mỏ sẽ khó sụt giảm bởi “chúng ta đang đi máy bay và lái xe nhiều hơn… Và một kịch bản dự báo điên rồ của chúng tôi là giá dầu Brent sẽ dao động trong ngưỡng 110 – 150 USD/thùng trong suốt mùa hè và thậm chí còn hơn thế nữa”, ông Paul Sankey cho biết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*