Phó chủ tịch UBCKNN: Phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, có kiểm soát

Chia sẻ bên lề sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ thực hiện sửa đổi luật, nghị định và một số văn bản cho phù hợp hơn với sự phát triển của thị trường.

Về trái phiếu, đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, và sẽ xây dựng sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ, đảm bảo thanh khoản cho thị trường này.

Cụ thể về thị trường trái phiếu, ông Sơn cho biết, sẽ cân bằng giữa thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Hiện thị trường trái phiếu phát triển nhưng quy mô vẫn tương đối nhỏ, và quan trọng là tính công khai minh bạch và tăng cường công tác quản lý với thị trường này.

Bộ Tài chính có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) sắp tới thanh kiểm tra, gồm 2 phần là kiểm tra tư vấn phát hành của các công ty chứng khoán và kiểm tra về doanh nghiệp thực hiện phát hành. Các sai phạm sẽ xử lý nghiêm, nhưng doanh nghiệp nào tuân thủ tốt, làm đúng thì phải có định hướng cho các doanh nghiệp đó tiếp tục phát triển”, ông Sơn nói.

Vừa qua, có một số vụ việc với doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang được xử lý nghiêm, cũng là cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp nếu không làm đúng sẽ bị xử lý. Nhưng ông Sơn nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp làm tốt thì tiếp tục khuyến khích.

Về sửa đổi Luật Chứng khoán thế hệ 2 ban hành năm 2019 – đây là chuẩn mực để hướng đến thông lệ quốc tế, là một trong các cơ sở để nâng hạng thị trường, tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường thì cần sửa đổi một vài điểm, đặc biệt là 2 vấn đề liên quan đến nhà đầu tư chuyên nghiệp và tăng mức xử phạt đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.

Liên quan đến việc tái cấu trúc công ty chứng khoán, ông Sơn cho biết vẫn thực hiện theo đề án cũ. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn luôn thực hiện định kỳ việc thanh tra, giám sát các lĩnh vực.

Thị trường cổ phiếu, trái phiếu phát triển nhưng còn nhiều hạn chế

Hiện nay, quy mô thị trường chứng khoán đang dần tiệm cận và cân bằng hơn với quy mô thị trường tín dụng ngân hàng, góp phần đưa thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nợ công của Chính phủ.

thị trường chứng khoán đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, đạt 134% GDP vào năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường có nhiều tương đương 92,8% GDP năm 2021; quy mô thị trường trái phiếu 40,7%GDP. Trong đó, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu chính phủ bảo lãnh là 22,7%, và trái phiếu doanh nghiệp là 16,4%

Trong năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán vẫn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt trên 318.000 tỷ đồng. Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 636.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng.

Trong quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng ở mức 105.500 tỷ động; đồng thời, các doanh nghiệp đã chào bán trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra ng chúng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.

Về thị trường cổ phiếu, thanh khoản năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 31.174 tỷ đồng/phiên (tính đến ngày 4/4/2022).

Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã tham gia rất tích cực trên thị trường. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã tăng nhanh đạt trên 5,2 triệu tài khoản vào cuối tháng 4/2022 trong đó số tài khoản mở mới trong năm 2021 bằng cả giai đoạn 2013-2020 cộng lại.

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020 và gấp hơn 6,5 lần trong vòng 10 năm qua.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, ông Sơn đánh giá, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh càng tinh vi, phức tạp;

Bên cạnh đó là rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết rõ về pháp luật trong đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ;

Mặt khác, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều: Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế…

Ông Sơn cho rằng, những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của các đợt phát hành chứng khoán đã huy động vốn, gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý, giám sát, thông tin tuyên truyền và thực hiện một số điều chỉnh, sửa đổi về mặt chính sách, quy định pháp lý cho phù hợp.

Tăng cường tính minh bạch thị trường, phấn đấu để sớm nâng hạng

Theo đó, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, và định hướng tại Chiến lược Tài chính đến năm 2030, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian tới tiếp tục duy trì công tác điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tập trung vào một số giải pháp chính như sau, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán, trong đó tập trung hoàn thành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Song song là đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường; tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…

Đồng thời, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán, an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho thị trường chứng khoán.

Ông Sơn cho biết, tiếp tục tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của thị trường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát, cả về số lượng và chất lượng, dần đưa vào ứng dụng công nghệ mới (Big Data; Machine Learning, Blockchain) trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát.

Về công tác thông tin, tuyên truyền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động vốn và đầu tư trên thị trường vốn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính sẽ phấn đấu đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*