Trên cánh đồng lúa mạch rộng lớn tại Prundu, ngoại ô thủ đô Bucharest của Romania, Catalin Corbea ngắt một bông lúa, vò giữa hai bàn tay. “Còn khoảng 10 ngày đến hai tuần nữa”, ông Corbea ước tính thời gian đến ngày thu hoạch.
Trong suốt 30 năm làm nông, ông chưa từng trải qua vụ mùa nào như năm nay. Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, “vựa lương thực của thế giới”, khiến thị trường ngũ cốc toàn cầu đảo lộn.
Biển Đen, tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc chính của Ukraine, gần 4 tháng qua tê liệt khi Kiev và Moskva cáo buộc nhau rải thủy lôi và triển khai tàu chiến phong tỏa các tuyến hàng hải trọng yếu, ngăn tàu hàng ra vào.
Hậu quả là khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, đặc biệt ở châu Phi, Trung Đông và một số khu vực tại châu Á. Các nước đang ráo riết tìm nguồn cung mới cũng như các tuyến vận chuyển thay thế để giải phóng lương thực khỏi Ukraine.
“Nông dân Romania có nhiều cơ hội trong năm nay do chiến sự tại Ukraine”, ông Corbea nói.
Trang trại ông trồng cải dầu, ngô, lúa mì, hoa hướng dương, đậu nành và lúa mạch. Sản lượng ngũ cốc ở Romania năm nay dự kiến không đạt kỷ lục 29 triệu tấn như hồi năm ngoái, song triển vọng từ mùa vụ này vẫn cao và có nhiều hàng để xuất khẩu.
Câu hỏi đặt ra là liệu Romania có khả năng mở rộng quy mô ngành nông nghiệp của mình nhằm thay thế vị trí Ukraine trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu hay không.
Giới chuyên gia đánh giá Romania có nhiều lợi thế để thực hiện tham vọng này. Họ sở hữu cảng Constanta ở phía tây Biển Đen, nơi gần đây trở thành điểm trung chuyển quan trọng cho ngũ cốc Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát.
Tuy không thể so sánh được với Ukraine, Romania vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu Liên minh châu Âu (EU). Nước này đã xuất khẩu 60% sản lượng lúa mì trong năm ngoái, chủ yếu tới Ai Cập và Trung Đông. Chính phủ Romania cũng phân bổ 527 triệu USD để hỗ trợ nông dân canh tác và tăng sản lượng trong năm nay.
Tuy nhiên, quốc gia Đông Âu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Giá nông sản đang tăng, nhưng cùng với đó là chi phí dầu diesel, thuốc trừ sâu, phân bón cũng leo thang.
Corbea cho biết chi phí sản xuất cho vụ mùa năm nay đã tăng gấp 2-3 lần và có thể tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới, khiến nông dân phải tìm cách đảm bảo hòa vốn.
Trang trại của Corbea có 50 nhân viên, với doanh thu khoảng 10,5 triệu USD/năm. Ông gần đây đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và hệ thống tưới tiêu hiện đại bao trùm khắp trang trại.
Với giá lương thực tăng như hiện nay, kết hợp với năng suất cao nhờ hệ thống tưới tiêu mới, Corbea kỳ vọng thu về gần 16 triệu USD trong năm nay, bù đắp cho chi phí sản xuất tăng lên.
Nhiều cá nhân và doanh nghiệp ở Romania cũng hưởng lợi từ tình hình giá lương thực tăng cao do thiếu hụt nguồn cung. “Không thể tưởng tượng nổi. Lợi nhuận tăng cao chưa từng thấy”, Ghita Pinca, giám đốc công ty kinh doanh nông sản Agricover ở Romania, cho biết, nói thêm rằng quốc gia này có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển nông nghiệp, phụ thuộc vào mức độ đầu tư vào hệ thống tưới tiêu, công nghệ bảo quản.
Nhưng những nông dân canh tác ở quy mô nhỏ hơn lại gặp nhiều khó khăn. Chipaila Micrea có trang trại rộng khoảng 800 ha trồng lúa mạch, lúa mì và ngô ở Poarta Alba, đông nam Romania, dọc theo tuyến kênh dẫn nước nối Biển Đen với sông Danube.
Ông Micrea dự đoán lợi nhuận năm nay sẽ giảm, do thời tiết khô hạn hơn sẽ khiến sản lượng không bằng năm ngoái, kết hợp với chi phí nhiên liệu, phân bón tăng cao. Một số nhà xuất khẩu Ukraine đã hạ giá ngũ cốc, khiến tình thế cạnh tranh trên thị trường tăng lên.
Trang trại của Micrea cách cảng Constanta khoảng 24 km, nơi đóng vai trò là cửa ngõ giao thương, vận chuyển lương thực, kết nối nhiều quốc gia châu Âu với Đông Á và Trung Á.
Cảng biển này đã xử lý 67,5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2021, trong đố 1/3 là ngũ cốc. Ukraine cũng đang vận chuyển nhiều mặt hàng xuất khẩu qua ngả Constanta, do cảng Odessa của họ đang bị phong tỏa. Tại khu vực do tập đoàn thực phẩm Cargill của Mỹ điều hành, có nhiều toa tàu dán nhãn “ngũ cốc” đang trút ngô của Ukraine lên băng chuyền vận tải.
Tại bến tàu do tập đoàn chế biến nông sản và thực phẩm lớn nhất Trung Quốc COFCO điều hành, hàng tấn ngũ cốc từ silo bảo quản khổng lồ gần đó đang được đổ lên tàu hàng. Những chiếc xe tải có màu cờ xanh vàng đặc trưng của Ukraine trên biển số cũng đang xếp hàng chờ kiểm tra tại cổng chuyển hàng của COFCO.
Trong chuyến thăm tới Kiev tuần trước, Tổng thống Romania Klaus Iohannis cho biết hơn một triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine đã được vận chuyển qua cảng Constanta tới nhiều nơi trên thế giới.
Nông dân Romania hy vọng ngũ cốc của mình cũng sẽ được xuất khẩu qua cảng Constanta theo cách như vậy. Tuy nhiên, quá trình này vấp phải nhiều cản trở do cơ sở hạ tầng giao thông trên toàn quốc và hệ thống cảng biển bị xuống cấp, khiến hoạt động vận chuyển và xuất khẩu ngũ cốc gặp khó khăn.
Romania thiếu hệ thống đường sắt tốc độ cao và một mạng lưới đường cao tốc vươn tới nhiều địa phương trên cả nước. Cảng Constanta có quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng xung quanh cũng xuống cấp sau nhiều thập kỷ không được chú trọng đầu tư.
Chính phủ Romania vài tháng qua đã đầu tư để loại bỏ hàng trăm toa tàu cũ nát, tân trang lại các tuyến đường ray bị bỏ hoang hàng chục năm qua để phục vụ hoạt động vận chuyển ngũ cốc.
Tuy nhiên, xe tải ra vào cảng Constanta vẫn phải chen chúc trên một tuyến đường dẫn chỉ có một làn. Một nhân viên phải thường xuyên trực tại cổng cảng để nâng rào chắn mỗi khi có xe đi qua.
Phần lớn lượng ngũ cốc từ vụ mùa tới ở Romania sẽ đổ đến cảng Constanta trong vài tuần tới, khiến tình trạng tắc nghẽn trở nên tồi tệ hơn. Theo Cristian Taranu, giám đốc các khu tập kết hàng thuộc tập đoàn quản lý cảng Romania Umex, mỗi ngày sẽ có 3.000-5.000 xe tải tới cảng, có thể gây ùn tắc nhiều km.
Trang trại của Micrea cách cảng Constanta chưa đầy 30 phút lái xe, song trong thời gian cao điểm, xe tải chở ngũ cốc của ông phải đợi tới 2-3 ngày để được vào cảng dỡ hàng.
Đây là một trong những lý do khiến ông ít lạc quan hơn về khả năng Romania tận dụng được thời cơ để thúc đẩy ngành trồng trọt và xuất khẩu nông sản. “Cảng Constanta không được chuẩn bị cho một cơ hội như vậy, nơi này không có cơ sở hạ tầng cần thiết”, Micrea nói.
Đức Trung (Theo NY Times)
Để lại một phản hồi