Sri Lanka tìm mua dầu giá rẻ Nga

Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày 26/6 cho biết ông sẽ đến Qatar, còn hai người đồng cấp sẽ tới Nga hôm nay để thảo luận về việc mua thêm dầu với điều khoản ưu đãi, sau khi nhập khoảng 90.000 tấn dầu thô nhẹ khai thác ở Siberia, Nga cuối tháng 5.

Moskva và Doha chưa bình luận về thông tin. Nga đã bán dầu với giá chiết khấu cho một số đối tác như Trung Quốc và Ấn Độ sau khi phương Tây tìm cách đoạn tuyệt với năng lượng của nước này.

Ngày 25/6, Bộ Năng lượng Sri Lanka thông báo nước này gần như hết xăng và dầu diesel, sau khi một số chuyến tàu chở dầu đáng lẽ cập cảng nước này vào tuần trước đã không xuất bến, trong khi những chuyến dự kiến đến vào tuần tới cũng không thể tới Sri Lanka vì các lý do liên quan đến “ngân hàng”.

Điều này khiến Sri Lanka chỉ còn đủ dự trữ nhiên liệu đáp ứng nhu cầu trong chưa đầy hai ngày và đang được ưu tiên cho các dịch vụ thiết yếu.

Người dân đỗ xe dọc phố chờ tiếp nhiên liệu ở Colombo, thủ đô Sri Lanka, ngày 26/6. Ảnh: AFP.

Người dân đỗ xe dọc phố chờ tiếp nhiên liệu ở Colombo, thủ đô Sri Lanka, ngày 26/6. Ảnh: AFP.

Chính phủ đã đóng cửa các công sở không thiết yếu cũng như trường học trong hai tuần để giảm lượng người đi làm nhằm tiết kiệm năng lượng, đồng thời cho công chức nghỉ việc để tăng gia sản xuất. Một số bệnh viện trên khắp cả nước rơi vào tình trạng thiếu nhân viên y tế vì họ không thể đổ xăng để đi làm.

Tập đoàn Dầu khí nhà nước Ceylon (CPC) cũng thông báo giá dầu diesel, vốn được sử dụng rộng rãi trong các phương tiện giao thông công cộng, tăng 15%, lên 1,27 USD/lít, còn giá xăng tăng 22%, lên 1,52 USD/lít từ ngày 26/6. Tính từ đầu năm đến nay, giá diesel ở Sri Lanka đã tăng gần 4 lần, trong khi xăng tăng gần 3 lần.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe hôm 22/6 cảnh báo Sri Lanka sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong vài tháng nữa và kêu gọi mọi người sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, cho rằng nền kinh tế quốc đảo Nam Á đã “sụp đổ hoàn toàn”.

Sri Lanka cũng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.

Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.

Đức Trung (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*