Sau khi được giải cứu, người lính 20 tuổi này chia sẻ câu chuyện của mình với điều kiện giấu tên vì anh không muốn mọi người nghĩ rằng anh đang muốn nổi tiếng khi hàng nghìn binh sĩ khác ở Azovstal đã bị bắt làm tù binh hoặc thiệt mạng.
“Trâu nước” cho hay trong trận đánh đó, anh mang theo tên lửa vác vai NLAW lần theo dấu vết một chiếc xe tăng Nga nhưng bất ngờ bị trúng đạn cối. Sau tiếng nổ lớn, anh văng tới cạnh một chiếc ôtô đang cháy, rồi bò vào một tòa nhà gần đó, “thầm nghĩ rằng thà chui xuống tầng hầm và lặng lẽ chết ở đó còn hơn”.
Nhưng đồng đội đã đưa anh đến nhà máy thép Ilyich ở Mariupol. Ba ngày sau khi “Trâu nước” bị thương, các nhân viên y tế cắt cụt chân anh trong một hầm trú bom. Anh tự cho mình là người may mắn: Các bác sĩ vẫn còn thuốc mê khi đến lượt anh phẫu thuật.
Khi “Trâu nước” tỉnh lại, một y tá nói cô rất tiếc vì phải cắt cụt một chân của anh. Anh xóa tan bầu không khí u buồn bằng một câu đùa: “Liệu họ có trả lại tiền cho 10 hình xăm của tôi không?”.
“Tôi có rất nhiều hình xăm trên chân”, anh nói.
Sau cuộc phẫu thuật, trước nguy cơ nhà máy thép Ilyich thất thủ, anh được chuyển đến nhà máy thép Azovstal, một “thành trì bất khả xâm phạm” như nhận xét của nhiều người với diện tích gần 11 km2 cùng một mê cung đường hầm dài 24 km và boongke dưới lòng đất.
Tuy nhiên, tình hình ở Azovstal ngày càng xấu đi.
“Pháo kích diễn ra liên tục”, Vladislav Zahorodnii, hạ sĩ 22 tuổi, người đã bị bắn xuyên khung xương chậu trong một trận đánh ở đây, nói.
Khi được sơ tán đến Azovstal, Zahorodnii gặp “Trâu nước” ở đó. Họ quen biết nhau từ trước, bởi cả hai đều đến từ thành phố Chernihiv ở miền bắc Ukraine, nơi cũng đã bị quân đội Nga bao vây.
Zahorodnii nhìn thấy chiếc chân cụt của “Trâu nước” và hỏi anh cảm thấy thế nào. “Mọi thứ đều ổn. Chúng ta sẽ sớm đi nhảy được thôi”, “Trâu nước” trả lời.
Zahorodnii đã được sơ tán khỏi Azovstal bằng trực thăng vào ngày 31/3, sau ba lần thất bại. Đó là lần đầu tiên trong đời anh được ngồi trực thăng. Chiếc Mi-8 trúng đạn trong lúc rời khỏi nhà máy, khiến một động cơ của nó bị hỏng. Đng cơ còn lại giúp họ thực hiện tiếp hành trình 80 phút tới thành phố Dnipro, bên sông Dnepr, miền trung Ukraine.
“Trâu nước” được sơ tán một tuần sau sau đó trong tâm trạng trái ngược. Một mặt, anh thấy nhẹ nhõm khi phần thực phẩm và nước uống của anh, dù ít ỏi, nay được chuyển cho những người khác vẫn còn khả năng chiến đấu. Nhưng mặt khác, “một cảm giác đau đớn trỗi dậy. Họ ở đó, tôi bỏ họ lại”, anh chia sẻ.
Dù vậy, anh suýt bỏ lỡ chuyến bay của mình.
Vào ngày sơ tán, đồng đội đẩy anh trên xe cáng ra khỏi boongke, đưa anh lên một chiếc xe tải hướng về bãi đáp trực thăng đã được xác định sẵn. Họ quấn anh trong một chiếc áo khoác.
Hàng tiếp tế, đạn dược được dỡ xuống trước, sau đó, những người bị thương mới được đưa lên trực thăng. Nhưng họ đã bỏ quên “Trâu nước” ở phía sau thùng xe tải.
Anh không thể ra dấu hiệu vì cổ họng cũng bị thương và giọng anh vẫn còn quá khàn, không đủ sức át đi tiếng cánh quạt trực thăng đang vù vù phía trên đầu.
“Tôi tự nhủ, ‘không phải hôm nay rồi”, “Trâu nước” nhớ lại. “Nhưng bất ngờ ai đó hét lên ‘Các bạn quên một người trên xe tải này!'”.
Một thành viên tổ bay nắm lấy tay và trấn an anh đừng lo lắng, họ sẽ về đến nhà.
“Cả cuộc đời, tôi đã mơ ước được bay trực thăng. Không quan trọng có đến nơi hay không, giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật”, anh thều thào nói với mọi người.
Trong buồng lái của mình, phi công Oleksandr không khỏi cảm thấy bồn chồn, một phút với anh giống như một giờ.
“Rất đáng sợ”, ông nói. “Bạn nhìn những vụ nổ xung quanh mình và không biết liệu quả đạn tiếp theo có nhắm tới vị trí của bạn hay không”.
Giữa hỗn loạn của cuộc xung đột và thông tin về các sứ mệnh bí mật vẫn chưa đầy đủ, không thể chắc chắn “Trâu nước” và Oleksandr đã ở cùng trên một chuyến bay giải cứu, nhưng các chi tiết họ kể khá trùng khớp.
Cả hai đều đưa ra thời gian giống nhau: Đêm ngày 4 hoặc 5/4. Oleksandr kể lại việc bị một tàu chiến Nga nhắm bắn khi bay vào vùng biển ngoài khơi Mariupol. Sóng xung kích từ vụ nổ khiến chiếc trực thăng chao đảo “như món đồ chơi”. Nhưng cuối cùng, họ đã vượt qua được nguy hiểm.
“Trâu nước” cũng kể về một vụ nổ. Những người sơ tán trên máy bay sau đó được thông báo rằng phi công vừa tránh được một quả tên lửa.
Oleksandr đã tăng tốc trực thăng lên 220 km/h và bay thấp cách mặt đất chỉ 3 m. Một trực thăng khác cũng tham gia nhiệm vụ cùng ông đã không thể quay về. Phi công trên trực thăng đó thông báo qua sóng vô tuyến với ông rằng anh ta sắp hết nhiên liệu. Đó là lần liên lạc cuối cùng giữa họ.
Nằm trên cáng, “Trâu nước” quan sát khung cảnh bên ngoài qua một ô cửa sổ nhỏ của trực thăng. “Chúng tôi bay qua những cánh đồng, bên dưới các tán cây, rất thấp”, anh nói.
Cuối cùng, họ đến Dnipro an toàn. Khi trực thăng hạ cánh, Oleksandr nghe thấy những người bị thương gọi các phi công. Oleksandr nghĩ họ sẽ la mắng ông vì đã có những động tác cơ động khiến họ khó chịu suốt chuyến bay.
“Nhưng khi mở cửa trực thăng, tôi nghe họ nói ‘cảm ơn'”, Oleksandr cho hay.
“Tất cả mọi người đều vỗ tay”, “Trâu nước” nhớ lại. Anh lúc này đang tập vật lý trị liệu với Zahorodnii tại một bệnh viện ở Kiev. “Chúng tôi nói với các phi công rằng họ đã làm được điều bất khả thi”.
Vũ Hoàng (Theo AP)
Để lại một phản hồi