Cách đây không lâu, nhu cầu về năng lượng tái tạo, xe điện và tất cả những thứ liên quan đến công nghệ xanh đã giúp tạo ra những khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên giờ đây câu chuyện đang diễn biến theo chiều ngược lại. Những người giàu nhất trong lĩnh vực này phải chứng kiến tài sản của bản thân sụt giảm nhiều tỷ USD.
Tài sản của nhóm 15 tỷ phú nằm trong danh sách “tỷ phú xanh” (Green Billionaires) mà Bloomberg thống kê đã sụt giảm tổng cộng 141 tỷ USD chỉ trong 7 tháng qua, tương đương gần 1/4 tài sản “bốc hơi”. Đặt trong tương quan so sánh, trong cùng kỳ 15 tỷ phú công nghệ giàu nhất mất 23% tài sản, còn 500 người giàu nhất thế giới mất 14% tài sản. Cả 3 danh sách đều có sự góp mặt của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk.
Các “tỷ phú xanh” nằm ở trung tâm của một vài yếu tố đang tạo ra áp lực giảm điểm đè nặng thị trường. Lạm phát khiến các cổ phiếu tăng trưởng giảm điểm, trong đó có các cổ phiếu thuộc ngành công nghệ sạch. Trong khi đó giá nguyên liệu thô phục vụ xe điện tăng vọt và càng tăng mạnh hơn nữa sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Và 20/23 tỷ phú xanh mà Bloomberg theo dõi kiếm tiền chủ yếu ở Trung Quốc, nơi mà toàn bộ nền kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong toả nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Các tỷ phú cũng chứng kiến định giá của nhiều công ty sụt giảm mạnh sau khi ở mức “trên trời” trong năm ngoái, đặc biệt là các công ty Trung Quốc. Sau khi đất nước thải ra nhiều khí thải nhất thế giới cam kết sẽ đạt được trạng thái trung hoà carbon vào năm 2060, các cổ phiếu công nghệ sạch đã tăng giá mạnh mẽ. Ví dụ, CATL, nhà sản xuất pin chuyên cung ứng cho Tesla, đã trở thành cổ phiếu lớn thứ 2 trên TTCK Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái sau khi tăng 2.600% so với năm 2018, khi công ty mới lên sàn.
Tuy nhiên kể từ khi đạt đỉnh, giá trị thị trường của CATL đã giảm hơn 30%, khiến tài sản của các lãnh đạo doanh nghiệp sụt giảm tổng cộng 30,5 tỷ USD. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Robin Zeng Yuqun mất 20,1 tỷ USD.
Đối thủ của CATL là Eve Energy cũng mất 1/3 giá trị vốn hoá trong cùng kỳ, khiến tài sản của nhà sáng lập Liu Jincheng giảm 5,1 tỷ USD. Tính theo % thì người mất nhiều tiền nhất là CEO Li Bin của Nio Inc, với 52% tài sản biến mất trong 7 tháng.
“Đây là bước ngoặt đặc biệt”, Alexander Chan, người phụ trách chiến lược hăm sóc khách hàng ESG tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Invesco, nhận định. “Đây là thời kỳ mà tiền đang bị rút khỏi các cổ phiếu xanh sau khi nhóm này liên tục đi lên trong vài năm qua. Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang hết sức thận trọng trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh và lạm phát nổi lên. Tôi không nhìn thấy khả năng phục hồi trong ngắn hạn”.
Vị tỷ phú duy nhất có thể thoát khỏi tình cảnh ảm đạm là Anthony Pratt, Chủ tịch của Visy Industries, công ty chuyên sản xuất bao bì giấy ở Australia. Tài sản của ông đã tăng 15%, lên 10,2 tỷ USD. Doanh thu của công ty “anh em” của Visy ở Mỹ là Pratt Industries đã bùng nổ trong thời kỳ phong toả.
Và các nhà sản xuất xe điện, sản xuất pin, năng lượng sạch của Trung Quốc vẫn đang tiến lên phía trước. Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, đang triển khai các biện pháp kích thích tài khoá để hỗ trợ các công ty này. Và những cam kết về khí hậu của Bắc Kinh mang lại lợi ích dài hạn cho họ.
Hơn nữa, hầu hết các công ty này rất dồi dào tiền mặt. So với 2 năm trước, cả các công ty và các nhà sáng lập đều giàu hơn rất nhiều.
Tham khảo Bloomberg
Để lại một phản hồi