Tại sao Mỹ khai thác thêm được dầu nhưng không làm dù giá xăng cao kỷ lục, lại bắt OPEC tăng sản lượng?

Theo tờ Financial Times (FT), mặc dù Ả Rập Xê Út và những nước khai thác dầu lớn đã đồng ý tăng mạnh sản lượng khai thác dầu mỏ nhưng giá dầu vẫn chưa chịu giảm. Giá dầu Brent quốc tế trên thị trường kỳ hạn giao tháng 8/2022 đứng ở mức 119,51 USD/thùng trong phiên 6/6/2022, tức cao hơn cả mức giá trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhóm họp vào ngày 2/6.

Sau nhiều tháng chịu áp lực của Mỹ, OPEC đã đồng ý gia tăng sản lượng nhằm chống lại đà tăng giá dầu phi mã hiện nay. Theo kế hoạch, OPEC sẽ khai thác thêm khoảng 650.000 thùng dầu/ngày nhằm giải quyết tình trạng giá xăng đang ở mức cao kỷ lục tại Mỹ.

Tại sao Mỹ khai thác thêm được dầu nhưng không làm dù giá xăng cao kỷ lục, lại bắt OPEC tăng sản lượng? - Ảnh 1.

Giá dầu Brent giao tháng 8/2022 trên thị trường kỳ hạn

Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tại Nghị viện và giá xăng cao cùng lạm phát đang trở thành vấn đề gây tranh cãi lớn.

Tuy nhiên câu hỏi khiến nhiều người quan tâm hiện nay lại là tại sao Ả Rập Xê Út, quốc gia được cho là trọng yếu của ngành dầu mỏ, cùng các thành viên OPEC quyết định tăng sản lượng nhưng giá chưa chịu giảm?

Con số thực tế

Nếu nhìn kỹ, cam kết tăng sản lượng của OPEC thực ra không nhiều, nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều so với thực tế. Trong số 650.000 thùng dầu tăng thêm, khoảng 432.000 thùng dầu/ngày vốn đã thuộc kế hoạch gia tăng khai thác sản lượng từ trước đó và đã được các nhà đầu tư cũng như thị trường tính trước. Bởi vậy con số thực tăng chỉ là 218.000 thùng/ngày.

Tiếp đó, rất nhiều thành viên nhỏ thuộc OPEC bị chậm tiến độ, không khai thác đủ số lượng dầu đã cam kết, qua đó khiến tổ chức này thiếu 2,6 triệu thùng dầu/ngày so với kế hoạch, tương đương gần 3% tổng nhu cầu dầu toàn thế giới.

Trong khi đó, hãng tư vấn Rapidan Energy Group nhận định OPEC có thể sẽ chỉ tăng khoảng 355.000 thùng/ngày tiếp trong 2 tháng tới. Con số này quá nhỏ so với khoảng trống 3 triệu thùng/ngày nửa cuối năm nay mà Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo khi Nga bị rút khỏi thị trường.

“Chính sách khai thác dầu của Ả Rập Xê Út đã có sự thay đổi nhưng chúng cũng không giúp được gì nhiều. Chúng ta khó có thể đưa vai trò của OPEC trở lại như xưa và động thái gia tăng sản lượng này chỉ còn mang tính biểu tượng”, cựu cố vấn Bob McNally của Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush nhận định.

Lợi ích tư bản

Một yếu tố nữa khiến Mỹ thúc ép OPEC tăng sản lượng là ngành khai thác dầu đá phiến của nước này đang gặp khó. Bất chấp giá xăng tăng tới 60% trong năm qua lên mức cao nhất lịch sử, các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ thay vì tăng sản lượng lại lợi dụng mức giá cao để chia cổ tức và mua lại cổ phiếu cho cổ đông. Suy cho cùng, chính nhà đầu tư mới là đối tượng họ cần quan tâm chứ không phải người tiêu dùng hay chính phủ Mỹ.

Tại sao Mỹ khai thác thêm được dầu nhưng không làm dù giá xăng cao kỷ lục, lại bắt OPEC tăng sản lượng? - Ảnh 2.

Giá xăng tại Mỹ đang quá cao

Tờ FT cho biết những cuộc đàm phán để nhập khẩu xăng dầu từ Venezuela, cường quốc năng lượng từng chịu khủng hoảng lạm phát vì dầu mất giá cũng như lệnh cấm vận của Mỹ, lại vẫn chưa đi đến đâu. Trong khi đó, thỏa thuận hạt nhân với Iran, nước từng xuất khẩu 2,8 triệu thùng dầu/ngày trước khi Mỹ tái áp đặt lệnh cấm vận vào năm 2018, thì đang bế tắc.

Một phương án nữa là nhập khẩu dầu mỏ từ Canada thế nhưng với quyết định hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, động thái này có thể đem lại những chỉ trích về chính trị cho Nhà Trắng.

Thậm chí ngay cả khi Mỹ thành công đàm phán với tất cả các nước trên để nhập khẩu dầu mỏ thì cũng phải mất vài tháng vì còn các hợp đồng kỳ hạn, khách hàng cũ cũng như việc vận chuyển vốn đang tắc nghẽn trên toàn cầu.

Ngoài ra, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại cũng khiến nhu cầu bật tăng mạnh khiến nguồn cung không kịp đáp ứng. OPEC ước tính tổng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng từ 97 triệu thùng/ngày năm 2021 lên 100,3 triệu thùng/ngày năm nay.

Hiện Mỹ đang phải mở kho dự trữ xăng dầu để hạ nhiệt thị trường, đồng thời hối thúc các công ty khai thác tăng sản lượng. Thậm chí Nhà Trắng đã nới lỏng các quy định về ô nhiễm môi trường nhằm tăng nguồn cung xăng dầu, đồng thời thảo luận để tạm dừng thuế xăng dầu liên bang nhằm hạ giá xăng.

Tuy nhiên tờ FT nhận định các biện pháp trên chỉ mang tính nhất thời chứ không cải thiện được tình hình cung-cầu hiện nay để giúp giá xăng đi xuống trong dài hạn.

*Nguồn: FT

Tại sao giá vé máy bay hiện nay lại đắt tới vậy, cao tới hơn 30% so với trước đại dịch?

https://babfx.com/tai-sao-my-khai-thac-them-duoc-dau-nhung-khong-lam-du-gia-xang-cao-ky-luc-lai-bat-opec-tang-san-luong-2022060715503371.chn

Băng Băng

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*