“Thổ Nhĩ Kỳ đã xử lý thành công dòng người di cư bất hợp pháp từ Syria suốt 11 năm, song chúng tôi đang chứng kiến sự hoảng loạn ở châu Âu do khủng hoảng Nga – Ukraine”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước người ủng hộ ở thị trấn Kizilcahamam, tây bắc nước này hôm 5/6.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng “thế giới sẽ thoát khỏi thời kỳ nguy cấp hiện nay càng sớm càng tốt”.
Theo báo cáo của Amin Awad, trợ lý Tổng thư ký LHQ, đồng thời là điều phối viên khủng hoảng của LHQ về Ukraine, từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, gần 14 triệu người Ukraine đã phải di dời, trong đó hơn 6 triệu người chạy sang các nước láng giềng.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Ba Lan, Romania và Hungary nằm trong số những điểm đến hàng đầu cho người tị nạn Ukraine. Ba Lan là nước EU tiếp nhận nhiều nhất với hơn 3,5 triệu người, theo sau là Romania với hơn 961.000 người và Hungary hơn 644.000 người. Khoảng 920.000 người Ukraine cũng đến Nga, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Trong bài phát biểu trước người ủng hộ, ông Erdogan lập luận rằng “hệ thống mà phương Tây xây dựng để bảo vệ an ninh và phúc lợi của chính họ đang sụp đổ”, đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc cải tổ lớn tại Hội đồng Bảo an LHQ, nhấn mạnh rằng “Trái Đất không phải chỉ có 5 quốc gia thành viên thường trực trong hội đồng”. Theo ông, có những dấu hiệu cho thấy phương Tây cuối cùng sẽ áp dụng những đề xuất mà Ankara đã đưa ra “suốt nhiều năm” về khía cạnh này.
Ông Erdogan cũng đề cập đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, được đệ trình giữa tháng 5 với lý do nhận thấy mối đe dọa từ Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định Ankara sẽ tiếp tục ngăn cản hai quốc gia này gia nhập khối quân sự “cho đến khi các kỳ vọng của chúng ta được đáp ứng”.
Vì cần có sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên NATO để thành viên mới được gia nhập liên minh, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khiến hy vọng sớm gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu gặp trở ngại. Ankara khẳng định sẽ chỉ đồng thuận nếu Thụy Điển, Phần Lan ngừng ủng hộ những người có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các tổ chức người Kurd khác mà Ankara coi là khủng bố.
Một vấn đề gây tranh cãi lớn khác là quyết định năm 2019 của Stockholm và Helsinki về cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc tấn công quân sự của Ankara vào miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm này.
Huyền Lê (Theo RT)
Để lại một phản hồi