Trung Quốc muốn gì ở quân cảng Campuchia?

Đại tướng Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia cùng Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên ngày 8/6 tham gia lễ động thổ dự án hiện đại hóa quân cảng Ream. “Trung Quốc và Campuchia đã trở thành những người anh em son sắt”, Đại sứ Vương nói tại buổi lễ.

Quân cảng Ream dự kiến có một ụ nổi để sửa chữa tàu, cầu cảng mở rộng, bệnh viện, nhà xưởng và một tòa nhà tiếp khách. Dự án nâng cấp cơ sở được thực hiện bởi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Công ty quốc doanh này đã ký thỏa thuận hợp tác với Campuchia vào năm 2016.

Quân cảng Ream nằm ở tỉnh Sihanoukville, bên bờ Vịnh Thái Lan nhìn ra Biển Đông. Nhiều năm qua, hàng loạt đồn đoán đã lan truyền về cơ sở này, trong đó có thông tin được tờ Washington Post của Mỹ công bố ngày 6/6, cho rằng Trung Quốc sẽ được “độc quyền” sử dụng một phần quân cảng.

Truyền thông Mỹ cho rằng thỏa thuận như vậy sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng tiếp cận Biển Đông, đồng thời đánh dấu bước mở rộng ảnh hưởng quân sự và kinh tế đáng kể của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Lễ khởi công dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville, Campuchia, ngày 8/6. Ảnh: AP.

Lễ khởi công dự án cải tạo quân cảng Ream ở tỉnh Sihanoukville, Campuchia, ngày 8/6. Ảnh: AP.

Giới chức Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại, cáo buộc Campuchia thiếu minh bạch trong thỏa thuận với Trung Quốc. “Chúng tôi và khu vực kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về các hoạt động của Trung Quốc. Sự thiếu minh bạch gây lo ngại, hoài nghi giữa các nước trong khu vực”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.

Tuy nhiên, Campuchia bác bỏ mọi cáo buộc, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không được sử dụng độc quyền cảng tại Ream. “Xin đừng quá lo lắng, cảng này quá nhỏ và thậm chí sau khi nâng cấp, nó không thể trở thành cơ sở có thể đe dọa bất cứ quốc gia nào”, đại tướng Tea Banh nói tại lễ động thổ.

Các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá hết bản chất của thỏa thuận nâng cấp quân cảng Ream giữa Bắc Kinh và Phnom Penh. “Chúng ta biết rằng Trung Quốc luôn muốn mở rộng sức mạnh ra xa đất liền của mình và để làm được điều đó, họ cần thiết lập một mạng lưới hậu cần phục vụ các tàu hải quân”, tiến sĩ Matthew P. Funaiole từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận xét.

Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, ven bờ Biển Đỏ, năm 2017. Tuy nhiên, cơ sở này được cho là quá nhỏ so với mạng lưới căn cứ Mỹ thiết lập tại các nước đồng minh trên thế giới cũng như ở châu Á – Thái Bình Dương.

Ci Le Yi, chuyên gia quân sự tại Đài Loan, nhận định Bắc Kinh đã dành nhiều năm nỗ lực tăng cường ảnh hưởng và hiện diện quân sự ở nước ngoài. Ci cho rằng tham vọng của Bắc Kinh là thiết lập một “chuỗi ngọc trai” từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, gồm các cơ sở ven biển có thể cho phép tàu sân bay, tàu ngầm Trung Quốc cập cảng để tiếp tế trong các hoạt động xa bờ.

Theo chuyên gia này, quân cảng Ream có thể là điểm dừng chân đầu tiên của tàu hải quân Trung Quốc sau khi ra khỏi Biển Đông. “Những tàu này sau đó có thể ghé cảng Bangladesh, rồi Sri Lanka”, ông nói. “Tiếp đến, họ có thể tới Vịnh Ba Tư và Bắc Phi rồi đi tiếp tới Djibouti”.

Năm 2021, một báo cáo của chính phủ Mỹ về các động thái phát triển quân sự liên quan đến Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang “theo đuổi những cơ sở quân sự bổ sung nhằm hỗ trợ sức mạnh hải quân, không quân, mặt đất, không gian mạng và cả vũ trụ”.

Tuy nhiên, Funaiole cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ thận trọng trước bất kỳ động thái tăng hiện diện nào ở Campuchia. “Họ biết rằng từ ‘căn cứ’ sẽ gây ra nhiều lo ngại, vì thế họ luôn cố gắng tránh cách diễn đạt như vậy”, ông cho hay.

Việc Campuchia đồng ý để Trung Quốc tham gia vào dự án cải tạo quân cảng Ream không phải điều gây ngạc nhiên. Trung Quốc trước đó đã bơm hàng tỷ USD vào Campuchia thông qua các dự án hỗ trợ phát triển, các khoản vay và cùng những giao dịch kinh doanh khác.

Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh tham gia dự án nâng cấp quân cảng Ream không đồng nghĩa quân đội nước này sẽ được triển khai đến cơ sở.

Theo Chu Thần Minh, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ và Khoa học Quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, dự án “xuất phát từ nhu cầu đối phó cướp biển và nâng cao năng lực hải quân” của Campuchia, nước “mong muốn được Trung Quốc chuyển giao tàu tuần tra và khinh hạm”. Chu Thần Minh nói rằng việc nâng cấp cảng là cần thiết để những tàu này có thể neo đậu.

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong ảnh vệ tinh chụp ngày 22/4. Ảnh: AP.

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong ảnh vệ tinh chụp ngày 22/4. Ảnh: AP.

Giới phân tích nhận định dù mục đích của Trung Quốc khi tham gia nâng cấp quân cảng Ream là gì, quan hệ hợp tác ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh và Phnom Penh cho thấy Washington đang suy giảm ảnh hưởng trong khu vực.

Những tuyên bố phản đối công khai thường xuyên của Mỹ đối với quá trình cải tạo quân cảng Ream cho thấy Washington “thiếu đòn bẩy và mối quan hệ” với Phnom Penh, Evan Laksmana, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm châu Á và Toàn cầu hóa thuộc Đại học Quốc gia Singapore, bình luận.

Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng “cách phản ứng của Mỹ khiến nhiều nước trong khu vực cho rằng Washington chỉ quan tâm đến họ vì Trung Quốc. Khi vấn đề Trung Quốc không còn là mối lo ngại với Mỹ, họ sẽ bị phớt lờ”.

Koh cho rằng nếu Mỹ muốn xây dựng niềm tin trong khu vực, Washington cần phải thể hiện chính sách nhất quán hơn và đưa ra những đề xuất hợp tác đa dạng, thay vì chỉ tập trung vào vấn đề an ninh. Laksmana cũng đồng ý với nhận định này, nhấn mạnh cách phản đối của Mỹ với dự án hợp tác Campuchia – Trung Quốc ở quân cảng Ream hiện nay hầu như không thể mang lại sự thay đổi nào.

Zhao Tong, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá việc mở rộng hiện diện ở nước ngoài là con đường tất yếu với tham vọng trở thành siêu cường sánh ngang Mỹ của Trung Quốc. Trong quá trình này, Bắc Kinh sẽ tìm cách tránh những hành động khoa trương để không gây hoài nghi trong dư luận quốc tế.

“Các chuyên gia Trung Quốc dường như tin rằng khi Bắc Kinh dần dần mở rộng ảnh hưởng quân sự, từ khu vực lân cận đến những nơi xa hơn, cộng đồng quốc tế sẽ quen với hiện diện ngày càng lớn của họ và dần có quan điểm tích cực hơn”, Zhao Tong nói. “Đây là cách những thay đổi trong cán cân quyền lực quốc tế diễn ra và được bình thường hóa”.

Vũ Hoàng (Theo SCMP, Guardian)

  • Campuchia, Trung Quốc bác nghi vấn xây cơ sở bí mật ở quân cảng
  • Trung Quốc toan tính kiểm soát Biển Đông mà không cần vũ lực
  • Mỹ mở sứ quán ở quốc đảo để đối trọng Trung Quốc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*