TS. Cấn Văn Lực: Vĩ mô tốt, VN-Index có thể đạt 1.400 – 1.600 điểm cuối năm nay

Nhìn nhận về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá rất lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Còn theo nhận định riêng của nhóm nghiên cứu BIDV, theo kịch bản cơ sở, năm nay, tăng trưởng GDP của nước ta có thể đạt 6-6,5% năm nay. Năm 2023, con số này có thể đạt 6,5-7% nếu Việt Nam tiếp tục chống dịch tốt và triển khai thành công Chương trình phục hồi kinh tế…

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện nay khá tốt, kể cả cung (chế biến chế tạo và dịch vụ) lẫn cầu (đầu tư, tiêu dùng). Đương nhiên, lạm phát năm nay chắc chắn sẽ tăng cao nhưng mức tăng chỉ khoảng 3,8-4,2%. Tình hình tiền tệ trong nước vẫn sẽ ổn định, tỷ giá tăng khoảng 2-2,3%.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm tới 20% song với triển vọng sáng sủa của nền kinh tế và các động thái lành mạnh hóa thị trường thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng, thị trường chứng khoán sẽ tốt lên thời gian tới.

Theo chuyên gia này, có hai kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay. Kịch bản thứ nhất: VN-Index đạt 1.436 điểm, tức (giảm 4,2% so với cuối năm 2021). Kịch bản thứ hai: VN-Index đạt 1.614 điểm, tăng 7,7%.

Dẫn một thống kê của Dragon Capital, TS. Cấn Văn Lực cho hay, về triển vọng đầu tưư dài hạn, chứng khoán vẫn dẫn đầu, tiếp heo là các kênh: bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng, vàng, USD…

Trái ngược với nhận định lạc quan trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ quay đầu và VN-Index sẽ đóng cửa ở mưức 1.100 điểm cuối năm nay.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), mặc dù thị trường chứng khoán hiện đang gặp nhiều khó khăn, song các điểm sáng vẫn còn: Lượng tài khoản mở mới vẫn tăng mạnh; nhà đầu tư ngoại mua ròng từ đầu năm đến nay (lũy kế từ đầu năm đến 15/6, khối ngoại mua ròng nhẹ trên 2.000 tỷ đồng).

Theo bà Bình, điều này cho thấy nhà dầu tư vẫn coi chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại.

Với nền tảng vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, kinh tế hồi phục tốt, 86% công ty niêm yết báo cáo có lãi (cao hơn số 83% cùng kỳ năm 2021), bà Bình thiên về nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán giống như TS. Cấn Văn Lực.

Về xu hướng đầu tư, TS. Lực cho hay, hiện nhiều nhà đầu tư đã và đang tìm kiếm các kênh đầu tư trú ẩn trong bối cảnh lạm phát tăng. Tuy nhiên, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, tài sản số, vàng hay gửi tiết kiệm tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

“Thị trường đang có nhiều cơ hội, song nhà đầu tư phải xác định khẩu vị rủi ro của mình, đa dạng hóa danh mục và sử dụng đòn bẩy ở mức độ hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông, tăng tích lũy kinh nghiệm, kiến thức…”, TS. Lực khuyến cáo.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*