Vì đâu chậm giải ngân vốn đầu tư công?

Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi nền kinh tế đang trông chờ nhiều vào động lực này để phục hồi.

Nỗi lo chung

Không nằm ngoài dự đoán, giải ngân vốn đầu tư công nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ. Tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội trên Quốc hội, hay tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2022, rất nhiều ý kiến đề cập tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Theo số liệu ước tính từ Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này tuy cao hơn cùng kỳ năm ngoái, song vẫn chưa đạt kỳ vọng.

“Giải ngân chậm là một lãng phí lớn, khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm phí về vốn”, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nói.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) thẳng thắn cho rằng, chậm giải ngân sẽ làm thất thoát nguồn lực quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Đánh giá cao việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông, có nhiều giải pháp, thậm chí đi xuyên Tết để khảo sát tình hình và đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, song đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đặc biệt, cần xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đường sắt đô thị TP.HCM, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành, Điện Biên.

Vị đại biểu này cũng mong Quốc hội sớm thông qua các dự án quan trọng khác, như Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, các cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu… “Việc sớm đầu tư các dự án trên là hết sức cấp thiết”, đại biểu Tô Ái Vang nói.

Chậm giải ngân là câu chuyện… dài kỳ và đã được nhắc đến rất nhiều. Ở thời điểm hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi nền kinh tế đang trông chờ rất nhiều vào động lực này để phục hồi. Chính vì vậy, Quốc hội sốt ruột, Chính phủ đốc thúc. Các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã “ra tay” gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

“Nhưng cũng phải nhìn thấy một thực tế là, tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào cuối năm và cuối kỳ kế hoạch. Và điều này đang có xu hướng trở thành quy luật. Vì vậy, việc nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét đến yếu tố này”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhiều con số đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng viện dẫn để chứng minh điều này. Đó là trong giai đoạn 2017-2022, giải ngân của 5 tháng thường đạt từ 22 đến 26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thấp nhất là năm 2021 – đạt 22,12%, cao nhất là năm 2019 – đạt 26,4%.

Tương tự, giải ngân của cả năm cũng có sự biến động rất khác nhau, từ 76,89% đến 96,47%. Năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất là 2020 (đạt 96,47%), cũng là năm cuối kỳ thực hiện kế hoạch trung hạn 2016-2020. Năm cao thứ hai là năm 2021, đạt 95,7%. Đây cũng là năm tiếp tục thực hiện hoàn thành các dự án của giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, nếu xét về xu hướng chung, tỷ lệ giải ngân trên 22% của năm nay cũng nằm trong ngưỡng bình thường. Nếu cuối năm, tiến độ giải ngân tăng tốc, thì con số đạt được sẽ ở mức cao.

Vì sao lại chậm?

Có rất nhiều nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được chỉ ra. Cách đây ít ngày, khi họp với Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam lý giải, giải ngân chậm vì năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm vụ mới, nên thủ tục hơi lâu. Riêng đấu thầu đã mất 30 ngày, mỗi bước quy trình khác mất tới 30-35 ngày.

Giờ cũng không còn vướng gì về luật pháp, chính sách. Vốn trước nói là giao chậm, giao nhiều lần, giờ đã giao hết, giao một lần vào cuối năm trước. Quy trình, thủ tục cũng rõ rồi. Như vậy, chậm giao là do địa phương, chúng ta đã xác định rất rõ trách nhiệm là ở đâu.

– Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói tại cuộc họp với các địa phương ngày 27/5

Chưa kể, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, nhất là xi măng, sắt thép, nên các nhà thầu có xu hướng triển khai cầm chừng, đợi để được bù giá. “Giải phóng mặt bằng thì vướng đến hai lần, giải phóng mặt bằng cho dự án và mặt bằng cho công tác hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân. Có khi sẽ phải mất 300 ngày để xử lý việc này”, ông Huy nói.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết, theo giải trình của các địa phương chậm giải ngân thì hầu hết đều có đề nghị đẩy mạnh phân cấp. “Nếu phân cấp triệt để và đồng bộ tiến độ triển khai và thực hiện dự án đầu tư, thì có thể rút ngắn được 6-12 tháng”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, giải trình trước Quốc hội về các vấn đề mà đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, hiện đã phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ, triệt để rồi, từ lựa chọn dự án, lập dự án, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh vốn, giao vốn, tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng…, chỉ còn một vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.

Trước nay, nhiều ý kiến cho rằng, vướng mắc nằm ở Luật Đầu tư công. Song thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư công đã được tháo gỡ, nên gần đây, gần như không có ý kiến liên quan đến vấn đề này.

“Vấn đề đầu tư công không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công, mà đến rất nhiều luật, tùy tính chất từng dự án, như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, luật về đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, lao động, thuế, khoáng sản, các luật chuyên ngành, Luật Điều ước quốc tế, cam kết khác của Chính phủ…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, các khâu này không thể thực hiện đồng thời được mà theo từng bộ luật, từng quy trình, xong khâu này mới đến khâu kia, nên mất nhiều thời gian.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để giải quyết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và thay đổi cách tiếp cận quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, làm sao phù hợp và theo kịp yêu cầu phát triển.

“Cũng không thể chỉ giải quyết bằng Luật Đầu tư công, mà còn phải giải quyết thông qua việc sửa đổi các luật khác thuộc các ngành, lĩnh vực liên quan khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngoài các yếu tố này, các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm còn nằm ở các vấn đề như tiến độ, chất lượng công tác lập, thẩm định, lựa chọn dự án… còn nhiều bất cập; giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu; cũng như các vấn đề mang tính đặc thù khác, như Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng cao, năm 2022 là năm đầu tiên các dự án mới thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn được triển khai…

Rất nhiều nguyên nhân và do đó, chắc chắn chuyện giải ngân vốn đầu tư công chưa thể được “gỡ rối” trong một sớm một chiều. Song theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và sẽ quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*