Hãng Reuters đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp với các thành viên của Ủy ban Khẩn cấp vào lúc 12h ngày 23/6 tại Geneva (giờ địa phương). Sự kiện này sẽ đánh dấu tuyên bố quan trọng với đậu mùa khỉ.
Cụ thể, cuộc họp sẽ đánh giá liệu tình trạng lây lan hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ có phải là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) hay không. Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO, từng được áp dụng cho đại dịch COVID-19, theo hãng tin Bloomberg.
Hiện tại, thời gian công bố quyết định đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu chưa được xác định.
Bàn tay của một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: MEDSCAPE
Thành phần tham dự cuộc họp là các chuyên gia từ những khu vực bị ảnh hưởng nhất. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sau đó, người đứng đầu WHO sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Trong năm nay, đã có hơn 1.600 trường hợp được xác nhận nhiễm và gần 1.500 trường hợp nghi nhiễm trên 39 quốc gia, bao gồm 7 quốc gia châu Phi đã phát hiện bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều năm và 32 quốc gia mới bị ảnh hưởng.
Châu Âu là tâm điểm của đợt bùng phát này với 25 quốc gia báo cáo hơn 1.500 người nhiễm, tương đương 85% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Bệnh cũng đã xuất hiện ở châu Á, cụ thể ở Singapore và Hàn Quốc.
Ông Hans Henri P. Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, đánh giá quy mô đợt bùng phát này là “một nguy cơ thực sự”, virus lưu hành càng lâu thì càng mở rộng phạm vi tiếp cận và nguy cơ bệnh lây lan sang các quốc gia chưa bị ảnh hưởng càng mạnh.
Hầu hết chuyên gia cũng đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát phù hợp với tiêu chí của WHO về định nghĩa tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một sự kiện đột ngột và bất thường lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác xuyên quốc gia.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu là “một sự kiện bất thường được xác định là có thể tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp”.
Lần gần nhất WHO sử dụng thuật ngữ là vào tháng 3/2020, để mô tả về COVID-19 trước khi tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu.
Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây như COVID-19 và có sẵn vaccine, phương pháp điều trị. Nó không giống COVID-19 hồi mới xuất hiện nhưng căn bệnh này vẫn dấy lên hồi chuông báo động.
Theo WHO, cộng đồng quốc tế cần khẩn cấp phối hợp thực hiện ba bước cơ bản. Thứ nhất, tăng cường giám sát, truy tìm tiếp xúc, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm. Thứ hai, tăng cường gắn kết cộng đồng và thông tin rõ ràng hơn để hạn chế lây nhiễm. Thứ ba, cần có sự hợp tác thực chất để đẩy lùi bệnh về trước mắt và lâu dài.
Để lại một phản hồi