Thị trường chứng khoán phiên 6/7 chứng kiến áp lực bán tháo xuất hiện dày đặc ở hầu hết các nhóm ngành quan trọng. Tâm lý tiêu cực đè nặng VN-Index một phần do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ khi hàng loạt chỉ số giảm mạnh do lo ngại về suy thoái kinh tế. Phiên hôm nay, chỉ số chính phải nói lời “chia tay” với mốc 1.150 điểm, trở về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021.
Dòng tiền mua yếu thế bị áp đảo bởi lực bán quyết liệt khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng hàng loạt Bluechips giảm giá dữ dội là tác nhân chính khiến thị trường lao dốc. Rổ VN30 ghi nhận mức giảm hơn 30 điểm (-2,42%), trong đó 26 mã giảm giá thậm chí 2 mã giảm sàn, bên tăng giá chỉ ghi nhận vỏn vẹn 3 cổ phiếu.
Cụ thể, những tác nhân đưa thị trường rơi vào thế chống đỡ phải kể tới họ nhà Vingroup: VIC, VHM, VRE lần lượt ghi nhận mức giảm 6,64%, 2,31% và 6,98%, thậm chí VRE của Vincom Retail giảm kịch biên độ. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu như GAS, PNJ, PLX, CTG, HDB, VPB, MWG, FPT… gặp áp lực điều chỉnh mạnh. Ngược dòng nhóm VN30, chỉ có 3 cổ phiếu SAB, VJC và BVH giữ được màu xanh lá khi tăng nhẹ khoảng 1%.
Nhóm cổ phiếu phòng thủ như dầu khí, năng lượng hay phân bón không giữ được phong độ trước đây. Diễn biến không mấy tích cực, nhóm dầu khí điều chỉnh trước áp lực giá “vàng đen” giảm mạnh nhất tính từ tháng 3 đến nay. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm xuống mức 102,8 USD/thùng, giảm đến 10,73 USD, tương đương 9,45%. Dầu thô WTI tại Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7 ở mức giảm 8,2%, tương đương 8,93 USD, xuống mức 99,5 USD/thùng. Theo đó, hàng loạt cổ phiếu như PVC, PVS, CNG, OIL, PLX,… bị nhấn chìm với biên độ giảm giá từ 5% đến 8%. Thậm chí, PVT, PVD, GAS nằm sàn la liệt, BSR giằng co và cũng kết phiên với sắc xanh lơ.
Mặc dù ghi nhận sự tích cực trong phiên sáng nhưng áp lực bán từ thị trường chung đã lan sang cả nhóm thủy sản. Kết phiên, nhóm này chìm trong sắc đỏ là chủ đạo với các mã IDI, ACL, VHC, CMX…giảm điểm. Đáng chú ý, ANV lại đi ngược thị trường khi tăng gần 1% điểm lên mức giá 44.950 đồng/cp.
Chiều kéo lên tỏ ra yếu ớt khi chỉ có nhóm cổ phiếu nông nghiệp, cụ thể là ngành chăn nuôi heo giữ được sắc xanh. HAG, BAF, DBC… giúp giảm bớt sự ảm đạm của thị trường khi tăng tốt. Thậm chí, DBC của Tập đoàn Dabaco lại trở thành mã cổ phiếu mang sắc tím duy nhất trên HoSE phiên hôm nay. Nguyên nhân phải kế tới việc giá heo từ các công ty chăn nuôi ngày 4/7 dao động 59.000-63.000 đồng/kg, tăng 1.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Ngoài ra, giá heo từ các hộ chăn nuôi dao động 54.000-59.000 đồng/kg, so với mức 56.000-57.000 đồng/kg cuối tuần trước. Điều này là một thuận lợi cho các công ty chăn nuôi ngành thực phẩm này khi lợi nhuận dự kiến sẽ được cải thiện nhờ tăng giá đầu ra.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 31,68 điểm (-2,68%) xuống 1.149,61 điểm. HNX-Index giảm 6,02 điểm (-2,17%) xuống 271,92 điểm. UPCoM-Index giảm 0,96 điểm (-1,11%) xuống 86,22 điểm. Thanh khoản trên thị trường sụt giảm 9% so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 12.569 tỷ đồng.
Toàn sàn ghi nhận số mã giảm điểm gấp 3 lần số mã tăng điểm, cụ thể số mã tăng điểm có 224 mã bị áp đảo hoàn toàn bởi 708 mã giảm.
Về giao dịch khối ngoại, NĐT nước ngoài phiên hôm nay bán ròng mạnh hơn 21 triệu cổ phiếu với giá trị gần 780 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trên HoSE, khối ngoại bán ròng 749 tỷ đồng với khối lượng bán hơn 20 triệu cổ phiếu. Tâm điểm, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị khối ngoại xả mạnh 220 tỷ đồng. Theo sau là GAS (-81 tỷ đồng); VCB (-68 tỷ đồng); VHM (-60 tỷ đồng)… là những mã top bán ròng phiên hôm nay. Chiều ngược lại, khối ngoại gom ròng nhẹ VND và FUESSVFL với 25 tỷ đồng mỗi mã.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 10 triệu đồng.
Trên sàn UpCOM, khối ngoại bán ròng gần 30 tỷ đồng, tập trung xả mạnh nhất BSR với 25 tỷ đồng. Trái lại, khối ngoại mua ròng dè dặt QNS, FOC, SKV, VWS… với giá trị không lớn.
https://babfx.com/ap-luc-ban-manh-khien-vn-index-giam-32-diem-khoi-ngoai-tiep-tuc-ban-rong-780-ty-dong-tren-toan-thi-truong-20220706153354726.chn
Để lại một phản hồi