Thị trường chứng khoán đã khép lại tháng 6 đầy biến động, VN-Index có thời điểm đã đánh mất gần như toàn bộ thành quả trong nhịp hồi phục trước đó và kết thúc tháng với mức giảm 7,36%. Trong bối cảnh đó, hầu hết các tổ chức lớn tại thị trường Việt Nam khó tránh khỏi thua lỗ trong tháng 6. Tuy nhiên, điểm tích cực là nhiều cái tên vẫn có hiệu suất khả quan hơn so với các chỉ số quan trọng như VN-Index hay VN30.
Nổi bật có thể kể đến Fubon ETF khi có bước tiến rõ rệt từ nhóm lỗ nặng tháng trước đó vươn lên chiến thắng cả VN-Index và VN30-Index dù hiệu suất vẫn âm 6,08% trong tháng 6. Quỹ ETF này cũng là cái tên hút tiền tốt nhất trong tháng vừa qua với giá trị hơn 1.160 tỷ đồng. Từ đầu năm, dòng tiền đổ vào Fubon ETF đã lên đến hơn 5.400 tỷ đồng.
Một cái tên cũng hút tiền rất mạnh thời gian qua là DCVFM VNDiamond ETF vẫn duy trì phong độ khá tốt với hiệu suất âm 3,56%. Trong tháng 6, dòng tiền vào ETF này đạt 890 tỷ đồng qua đó nâng con số lũy kế từ đầu năm lên gần 5.600 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường. Trong khi đó, dù bị rút ròng mạnh nhất trong tháng 6 nhưng DCVFM VN30 ETF vẫn có hiệu suất khả quan hơn so với VN-Index và VN30-Index.
Nhiều quỹ chủ động lớn như KIM Vietnam Korea (-3,81%), VOF VinaCapital (-5,1%), hay DCDS thuộc Dragon Capital (-5,58%) cũng chiến thắng cả VN-Index và VN30-Index với hiệu suất không quá tệ. Bên cạnh nắm giữ cổ phiếu niêm yết, VOF còn đầu tư vào private equity và trái phiếu trong khi DCDS cũng đang giữ lượng trái phiếu khoảng 11% danh mục.
Private Equity là một lớp tài sản đầu tư thay thế, bao gồm vốn không được niêm yết trên sàn giao dịch các công ty đại chúng.
Tổ chức “sống khỏe” nhất trong tháng 6 vẫn là Passion Investment nhờ ôm lượng lớn tiền mặt chưa giải ngân. Ngược lại, Pyn Elite Fund lại có một tháng đáng quên khi có hiệu suất kém hơn VN-Index. Với hiệu suất âm 7,94% trong tháng 6, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã có tháng thứ 5 liên tiếp thua lỗ, chuỗi dài nhất kể từ giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 7/2018.
SSIAM VNFinLead ETF cũng gây thất vọng khi tiếp tục đứng “đội sổ” trong tháng với hiệu suất âm 9,6%. Tháng 5 trước đó, quỹ ETF này còn là cái tên duy nhất thua lỗ trên 10%. Danh mục đầu tư của VNFinLead ETF toàn bộ là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Các nhóm này dù đã có tín hiệu khởi sắc hơn trong một vài phiên cuối tháng nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Tương tự, các quỹ ETF tên tuổi trên thị trường như FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF cũng đều có hiệu suất âm và thua xa so với VN-Index. Cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF này đa phần là cổ phiếu trụ còn room ngoại trong VN30 như VIC, VHM, VRE, HPG, VNM, NVL, MSN,… Trong giai đoạn thị trường dò đáy, nhóm này thường xuyên có đại diện góp mặt trong top giảm điểm là điều khó tránh khỏi.
Khả quan hơn so với VN-Index nhưng Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) với hiệu suất âm 7,31% trong tháng 6, đã không thể chiến thắng VN30-Index. Sau khi đẩy lượng tiền mặt lên cao kỷ lục vào giữa tháng 5, quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý đã mạnh tay giải ngân trở lại. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, VEIL đã bung ra khoảng 171 triệu USD mua cổ phiếu đồng thời đưa tỷ trọng tiền mặt xuống mức 0,66% (thời điểm 16/6), thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Nhiều tổ chức “thua” VN-Index sau nửa năm
Trong bối cảnh VN-Index đã giảm hơn 20% từ đầu năm, các tổ chức lớn đương nhiên khó tránh khỏi thua lỗ. Đáng chú ý, danh sách những cái tên có hiệu suất kém hơn so với các chỉ số chính lại tiếp tục được nối dài lên con số 7 so với 5 vào cuối tháng trước.
Nhóm “cầm đèn đỏ” vẫn là 3 quỹ ETF quen thuộc gồm V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF hay SSIAM VNFinLead ETF với hiệu suất đều âm trên 25%. Với đặc thù đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể, các ETF khó xoay sở trước các biến động của thị trường. Mặc dù dễ thích nghi hơn nhưng các quỹ chủ động cũng gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm, điển hình như VEIL, DCDS hay JPMorgan VOF đều hiệu suất tệ hơn so với VN-Index.
Chiều ngược lại, cái tên tích cực nhất là DCVFM VNDiamond ETF cũng có hiệu suất âm 3,57%. Ngoài Passion Investment, các tổ chức như KIM Korea Vietnam, VOF VinaCapital, Lion Global Vietnam Fund và DCVFM VN30 ETF chiến thắng 2 chỉ số chính nhưng mức giảm cũng đều trên 10%. Pyn Elite Fund có mức giảm tương đương với của VN-Index nhưng vẫn kém khá xa so với VN30-Index.
Về cơ bản, nhiều quỹ ngoại lớn như Dragon Capital, PYN Elite Fun,… vẫn đánh giá khả quan triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam nhờ vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao. Sau giai đoạn bán ròng triền miên, khối ngoại cũng đã có dấu hiệu trở lại thị trường Việt Nam khi mua ròng 3 tháng liên tiếp với giá trị lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
https://babfx.com/cac-to-chuc-lon-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-hoat-dong-ra-sao-sau-nua-dau-nam-2022070300141821.chn
Để lại một phản hồi