Trong số nhiều điểm sáng của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 7, có một thứ lại khiến Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) lo lắng. Đó là 2 phiên 27 và 28/7, khi các chỉ số tăng điểm mạnh nhất từ trước đến nay nếu tính riêng các phiên giao dịch sau khi các cuộc họp của FOMC kết thúc.
Tin rằng Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell đang phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại, các nhà đầu tư đều hồ hởi và đẩy chỉ số S&P 500 tăng gần 4% trong 2 phiên.
Thường thì trong thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ như ở Mỹ hiện nay, thị trường chứng khoán khó có thể tăng điểm mạnh do các chỉ số bùng nổ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Mặc dù Fed luôn thờ ơ với các diễn biến của TTCK, chuyện xảy ra ở phố Wall vẫn là yếu tố được cân nhắc đặc biệt khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ.
Hôm 28/7, ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét liệu các điều kiện tài chính (nói cách khác là đo lường mức độ căng thẳng của các thị trường, đối với đầy đủ các loại tài sản) có ở mức hợp lý để Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất hay không. Tuy nhiên kể từ hôm đó đến nay, thị trường còn đỡ căng thẳng hơn so với thời kỳ tháng 3, khi Fed lần đầu tiên tăng lãi suất.
“Họ không muốn nới lỏng, bởi vì họ muốn hạ thấp lực cầu. Về cơ bản thì nhà đầu tư đang nhận định chính sách tiền tệ đã được thắt chặt nhất có thể, do đó sẽ được nới lỏng sớm hơn dự tính. Nhưng tôi hoài nghi rằng đó không phải là những gì Fed đang toan tính”, George Pearkes, chiến lược gia đang làm việc tại Bespoke Investment Group nhận định.
Tổng cộng S&P 500 tăng 4,3% trong tuần qua và tăng 9,1% trong tháng, khiến tháng 7 trở thành tháng tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 11/2020. Đà tăng càng mạnh mẽ hơn sau khi Fed lần thứ 2 tăng lãi suất 0,75% và tuyên bố tốc độ tăng có thể chậm lại vào cuối năm nay.
Các chỉ số chính tăng mạnh trong tháng 7. Nguồn: Bloomberg.
Tâm lý lạc quan lan sang cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp những tài sản vốn có mức độ rủi ro cao hơn khởi sắc sau thời gian dài bị đè nén bởi Fed. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt mạnh từ mức 3,5% trong tháng 6 xuống còn 2,65%.
“Nếu như mục tiêu của Fed khi tăng lãi suất là giảm tốc nền kinh tế bằng cách thắt chặt các điều kiện tài chính, thì điều đó chưa từng xảy ra kể từ khi họ nghiêm túc hơn về chuyện tăng lãi suất. Tôi lo ngại chúng ta đang rơi vào kịch bản quen thuộc là Fed sẽ phải “kết thúc bữa tiệc” vào cuộc họp tới hoặc thậm chí trước đó”, Brian Nick, chiến lược gia trưởng tại quỹ đầu tư Nuveen nhận định.
Thị trường phái sinh cho thấy nhà đầu tư dự báo lãi suất liên bang sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 3,3% trước khi năm 2022 kết thúc, tức chỉ tăng thêm chưa đến 1 điểm phần trăm so với mức hiện tại. Trong vài tháng gần đây đã có lúc lãi suất được dự báo sẽ lên đến 4%.
https://babfx.com/cai-bay-ngot-ngao-an-sau-thang-7-ruc-ro-cua-chung-khoan-my-20220801081304492.chn
Để lại một phản hồi