Mục tiêu mua nhà luôn là một trong những dấu mốc lớn trong cuộc đời. Có những người, việc mua nhà đánh dấu cho cột mốc trưởng thành trong quản lý tài chính cá nhân. Bởi lẽ, mua được nhà ở các thành phố lớn luôn cần chi ra số tiền lên tới hàng tỷ đồng – một số tiền rất lớn với những người trẻ lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Để thực hiện được mục tiêu mua nhà, mua xe ở tuổi 30, đối với những người đã trải nghiệm, họ cho rằng quan trọng nhất là nằm ở bước đặt mục tiêu cụ thể và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Thu Hà (28 tuổi, Đắk Lắk), hiện tại là một nhân viên kinh doanh ô tô tại Hà Nội, chia sẻ rằng: “Sau khi hoàn thành mục tiêu mua xe, mình tiếp tục hướng tới mục tiêu mua nhà vào năm 30 tuổi.” Được biết, Hà vừa hoàn thành mục tiêu mua xe ô tô vào năm 28 tuổi, khi cô sở hữu mức lương cứng 20 triệu chỉ sau vài năm đi làm, và mức hoa hồng bí mật mà chỉ dân trong ngành mới biết. Thu Hà có bài toán quản lý tài chính cá nhân cực kỳ hiệu quả, giúp cô nàng sau 10 năm đi làm, đã có thể mua xe ô tô, và tiến tới mục tiêu mua nhà vào năm 30 tuổi.
Cùng lắng nghe những chia sẻ đến từ Thu Hà nhé!
Đặt mục tiêu mua nhà thế nào?
Mình là một người lên kế hoạch cho tất cả những mục tiêu lớn trong cuộc đời. Vì thế, việc mua nhà đã được lên kế hoạch từ khi còn đi học. Chỉ khi có mục tiêu, bạn mới hoạch định được thời gian để hoàn thành nó. Bản thân là một người từ Nam ra Bắc để học tập và làm việc, thế nên việc có 1 căn nhà ở Thủ đô với mình luôn là mục tiêu quan trọng, để thoát khỏi nỗi nhớ nhà. Mình không cần nhà to, sang, chỉ cần vừa đủ với nhu cầu là được.
Ảnh minh họa
Mình luôn nghĩ, việc mua nhà nên được hoàn thành càng sớm càng tốt, vì giá nhà đất đang tăng 1 cách chóng mặt. Còn nhớ, thời điểm trước dịch, vào khoảng cuối năm 2019, mình đã đi xem một số căn chung cư để tham khảo giá thị trường. Khi đó, mình rất ưng 1 căn hộ có 2 phòng ngủ bên Hà Đông, diện tích khoảng 70m2, có giá khoảng hơn 1,3 tỷ đồng. Nhưng vì chưa tích đủ tiền để mua đứt, nên mình dự tính tiết kiệm thêm, 1 năm sau sẽ đủ khả năng để mua nhà.
Nhưng người tính không bằng trời tính, 1 năm sau đó vướng dịch Covid-19, công việc của mình bị gián đoạn, thu nhập cũng không đều đặn như trước. Mà đáng nói hơn, là giá nhà đất khi này tăng nhanh 1 cách chóng mặt. 2 năm sau đó, căn hộ mình nhắm đã có giá hơn 2 tỷ đồng. Nhiều người khuyên mình nên đặt cọc trước tiền cho căn nhà đó, nhưng mình không muốn, bởi lẽ việc đặt cọc nhà khá rủi ro với mình. Số tiền đặt cọc không phải là nhỏ, hơn nữa, nếu như khi khi đủ tiền mình lại không ưng căn nhà đó nữa thì sao. Vậy nên, thời điểm này mình vẫn đang dồn sức để tích đủ tiền mua nhà đây.
Nghiên cứu, tìm hiểu thông tin nhà đất đáng tin cậy
Việc tìm hiểu thông tin trước khi mua nhà là điều cực kỳ quan trọng. Trong quá trình tham khảo để mua nhà, mình nhận ra nếu có những mối quan hệ tốt với những người làm bất động sản, sẽ giúp bạn tìm kiếm được những căn nhà phù hợp với nhu cầu, cũng như có thể giúp bạn tiết kiệm thêm 100-200 triệu đấy.
Ảnh minh họa
Mình thì lựa chọn người thân để tham khảo. Như anh chị em hoặc bạn bè thân thiết đã mua nhà Hà Nội, họ cho mình những lời khuyên khá hiệu quả. Ví dụ như, mình có 1 người bạn, lúc đầu đi xem nhà để chốt rất là ưng, nhưng khi vào ở rồi thì mới lòi ra 1 số những bất tiện của việc mua nhà chung cư. Để rút kinh nghiệm khi mua nhà, mình nghĩ hãy tham khảo ý kiến của càng nhiều người càng tốt, bởi lẽ nhà là tài sản có giá trị lớn. Hơn nữa, nếu biết chọn dự án mà mua, thì đó cũng chính là 1 khoản đầu tư sinh lời dài hạn của bạn.
Quản lý tài chính cá nhân để mua nhà
Nghề nghiệp hiện tại của mình tạo cơ hội để mình được tiếp xúc với nhiều người có tiền, có của để dành. Thế nên đôi khi, mình nhận được những lời khuyên tài chính rất hay ho. Cũng từ đó, mình đúc kết được cho bản thân những tips quản lý tài chính cá nhân phù hợp nhất.
Ảnh minh họa
Một trong số đó là việc tăng thu giảm chi, tiết kiệm nhiều nhất có thể, và dùng số tiền đó để đầu tư. Hồi mới đi làm, mình chỉ dừng lại ở việc chi tiêu tiết kiệm, vì khi đó còn quá trẻ, không biết đầu tư là gì. Nhưng sau hơn 10 năm đi làm, mình đã thay đổi thói quen này. Mình học cách đầu tư vào vàng, bất động sản và bảo hiểm. Đây là những khoản đầu tư an toàn với mình nhất.
Hơn nữa, khi đi làm, lúc nào mình cũng đặt mục tiêu tăng lương lên hàng đầu, ít nhất là 10%/năm, và nỗ lực chốt càng nhiều hợp đồng với khách càng tốt. Việc tăng lương sẽ cực kỳ quan trọng với dân làm thuê như mình, bởi lẽ những đồng tiền lương này là nguồn chi trả cho hầu hết những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống.
Học cách làm quen với sự có mặt của những món nợ
Mình là người rất sợ nợ, sợ cảm giác bồn chồn và bất an khi có người thúc nợ. Vì thế, từ khi đi làm và tự chi trả cuộc sống, mình quyết tâm không vay 1 đồng nào cả. Việc chi tiêu có kiểm soát giúp mình làm được điều đó.
Nhưng khi có ý định mua nhà, mình đã nghĩ đến việc vay nợ. Phần lớn là do mình sợ giá nhà đất tăng nhanh chóng, đợi tích đủ tiền mua thì có khi nó lại vượt quá khả năng của mình. Mình cũng đã nghĩ đến việc vay ngân hàng để mua được nhà càng nhanh càng tốt, vì thế, việc tập làm quen với món nợ lớn là cực kỳ quan trọng. Vì khi này, mình sẽ cần phải tính toán thêm số tiền lãi, tiền dành để trả nợ hàng tháng, cũng như việc thu chi sau đó.
Cảm ơn Thu Hà vì những chia sẻ!
Nguồn ảnh: Weheartit
https://kenh14.vn/co-gai-mua-o-to-700-trieu-chuan-bi-mua-nha-bi-quyet-tai-chinh-don-gian-nhung-nhieu-nguoi-bo-qua-20220718110905526.chn
Theo Trang Mint
Trí Thức Trẻ
Để lại một phản hồi