Cựu tư lệnh NATO kêu gọi phá hủy cầu nối Crimea với Nga

“Một số người mà tôi đã trao đổi nói rằng phá hủy cầu Kerch sẽ là đòn giáng mạnh vào Nga. Cầu Kerch là mục tiêu chính đáng. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi người Nga quan tâm đến cầu Kerch, nó cực kỳ quan trọng đối với họ”, tướng Breedlove trả lời tờ Times hôm 7/7.

Cầu Crimea, còn được gọi là cầu Eo biển Kerch, được khởi công hai năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thông qua trưng cầu dân ý và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.

Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam nước láng giềng.

“Hiện phương Tây đã cung cấp cho Ukraine tên lửa chống hạm Harpoon, tôi nghĩ người Nga có lý do để lo lắng về việc Ukraine sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào cây cầu”, tướng Breedlove cho hay.

Philip Breedlove, tướng không quân Mỹ về hưu và là cựu tư lệnh NATO hồi năm 2014. Ảnh: AP.

Philip Breedlove, tướng không quân Mỹ về hưu và là cựu tư lệnh NATO hồi năm 2014. Ảnh: AP.

Theo ông, có thể tấn công cầu Kerch để trả đũa việc Nga thắt chặt “phong tỏa hải quân” đối với Ukraine, đồng thời cho rằng Nga có thể đánh chìm các tàu vận tải dân sự chở ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, trong khi Moskva nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cung cấp lối đi an toàn cho những con tàu như vậy.

“Có rất nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo phương Tây như tôi đang thảo luận về điều gì sẽ xảy ra nếu Nga bắt đầu đánh chìm các tàu chở ngũ cốc của Ukraine hoặc Nga siết chặt phong tỏa vùng biển”, Breedlove nói.

Ông thừa nhận phá hủy hoàn toàn cây cầu sẽ cần đến một “chiến dịch ném bom liên tục”, nhưng việc tạm thời khiến nó ngừng hoạt động sẽ là nhiệm vụ khá đơn giản.

“Tất cả cây cầu đều có điểm yếu và việc đánh trúng mục tiêu có thể khiến cầu Kerch không hoạt động trong một thời gian”, tướng Mỹ nói thêm.

Cầu Crimea nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Nga.

Cầu nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Nga.

Việc phá hủy cây cầu này được các quan chức hàng đầu Ukraine liên tục đưa ra ý tưởng trong vài tháng qua. Alexey Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, hồi tháng 4 cảnh báo nếu có cơ hội, lực lượng Ukraine sẽ phá hủy cầu Crimea để cắt đường tiếp viện của Nga.

Tháng trước, thiếu tướng Dmitry Marchenko, người phụ trách bảo vệ tỉnh Mykolaiv, miền nam Ukraine, tuyên bố cầu Kerch là mục tiêu của họ nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp viện của lực lượng Nga.

Hồi tháng 4, Olga Kovipris, thượng nghị sĩ đại diện cho bán đảo Crimea, nhấn mạnh cầu Crimea là cây cầu “được bảo vệ tốt nhất” trên thế giới, có thể tránh được nhiều cuộc tấn công nhờ có nhiều lớp phòng thủ.

Bà Kovipris cho biết cầu được hai trung đoàn hệ thống phòng không S-400 bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ trên không. S-400 có thể hạ gục tên lửa bay tới từ cách đó 400 km. Các hệ thống khác, như tên lửa Pantsir-S1, bảo vệ cầu khỏi các cuộc tấn công tầm ngắn.

Cầu còn được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công đường thủy. Ngoài được hải quân Nga chịu trách nhiệm bảo vệ, cầu được trang bị hệ thống định vị thủy âm tinh vi có thể phát hiện các mối đe dọa dưới nước, như tàu ngầm. Bà Kovipris nhấn mạnh Nga hàng ngày đều kiểm tra các yếu tố quan trọng của cầu. “Vì vậy chúng tôi khuyên đừng ai có ý định tấn công cây cầu này”, bà nói.

Vị trí của bán đảo Crimea. Đồ họa: Washington Post.

Vị trí của bán đảo Crimea. Đồ họa: Washington Post.

Huyền Lê (Theo RT, Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*