Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã CK: AMD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2. Theo đó, doanh thu quý 2 của AMD giảm đột biến chỉ còn hơn 34 tỷ đồng, bằng 8% doanh thu quý 2/2021 và đây cũng là mức doanh thu thấp nhất của AMD kể từ khi niêm yết tới nay. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu của AMD là 404 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên giá vốn cũng giảm tương ứng nên lãi gộp của AMD vẫn ở mức 7 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lãi gộp của AMD là hơn 14 tỷ đồng, giảm 45% cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm mạnh chỉ còn 4,7 tỷ đồng, giảm 64% so với quý 2 năm 2021. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền của AMD giảm xuống chỉ còn 2,3 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt chiếm tới gần 2,2 tỷ đồng, lượng tiền gửi ngân hàng chỉ còn 161 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lượng tiền gửi ngân hàng là 9,4 tỷ đồng. AMD cũng không gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng nào nữa.
Trong khi đó chi phí tài chính là 5,7 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu nguồn vốn của AMD, tổng nợ phải trả giảm 21% so với thời điểm đầu năm về 491 tỷ đồng; trong đó tổng nợ vay chỉ còn 232 tỷ đồng, nguyên nhân do vay nợ tài chính ngắn hạn giảm 33% chỉ còn 215 tỷ đồng.
Về các chi phí khác, chi phí bán hàng quý 2 giảm mạnh chỉ còn 747 triệu đồng, bằng 1/3 cùng kỳ nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên gấp 10 lần cùng kỳ là 29 tỷ đồng. Do doanh thu sụt giảm cùng chi phí tăng cao nên AMD lỗ thuần 23,7 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 6,7 tỷ đồng.
Cộng thêm khoản lỗ khác 265 triệu đồng, AMD lỗ sau thuế quý 2 gần 24 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 5 tỷ. Đây là quý đầu tiên AMD báo lỗ kể từ khi niêm yết tới nay.
Luỹ kế 6 tháng, AMD lỗ 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7 tỷ.
Năm 2022, AMD đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng. Sau 6 tháng, AMD hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu còn lợi nhuận thì đang âm 22 tỷ đồng.
Phía công ty giải thích nguyên nhân thua lỗ bên cạnh doanh thu sụt giảm, mặt khác còn do Công ty trích lập bổ sung dự phòng một số khoản nợ phải thu khó đòi.
Theo đó, khoản dự phòng phải thu khó đòi của AMD tăng từ 1,4 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 27,8 tỷ đồng khi kết thúc quý 2. Tổng số nợ xấu của AMD tăng thêm gần 53 tỷ đồng lên 55 tỷ đồng. Trong đó, số nợ xấu có khả năng thu hồi chỉ là 27,4 tỷ đồng.
Trong số các khoản nợ xấu mới phát sinh trong năm nay, phần lớn đến từ CTCP Công nghệ TMC (35 tỷ đồng). Đáng chú ý trong danh sách nợ xấu phát sinh trong nửa đầu năm nay còn có 1 khoản của công ty cùng hệ sinh thái FLC là CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Cụ thể, khoản nợ xấu của Bamboo Airways là 6,5 tỷ đồng nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 3,3 tỷ đồng, đồng nghĩa với AMD phải trích lập dự phòng 3,2 tỷ đồng đối với hãng hàng không này.
Các công ty khác phát sinh nợ xấu trong năm nay là công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Nam Phương (5,6 tỷ đồng), công ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Global Stone (3 tỷ), CTCP Xây dựng và quản lý dự án số 1 (1,3 tỷ đồng) và TCT 36 (1,2 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AMD đang giao dịch ở mức giá khoảng 3.000 đồng/cp, giảm 70% so với vùng đỉnh hồi tháng 1, AMD từ đầu năm tới nay đã trải qua 2 đợt giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Một đợt là khi ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì bán chui cổ phiếu ngày 10/1 và đợt 2 là sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam vì thao túng thị trường chứng khoán ngày 29/3.
Để lại một phản hồi