Giáo sư Sri Lanka: Chúng tôi trả giá vì sai lầm của tổng thống

“Trong quá trình vận động tranh cử, ông Gotabaya Rajapaksa thuyết phục được người dân vì hình ảnh ‘sạch sẽ'”, Rajasekera Jay, giáo sư kinh tế người Sri Lanka đang công tác tại Đại học Quốc tế Tokyo (TIU), Nhật Bản, nói với VnExpress về lý do cử tri Sri Lanka bầu ông Rajapaksa làm Tổng thống năm 2019.

Rajapaksa khi đó là bộ trưởng quốc phòng, nổi tiếng với chiến dịch tấn công phiến quân Những con hổ giải phóng Tamil và chấm dứt nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ ở Sri Lanka. Cựu trung tá có biệt danh “Kẻ hủy diệt” này tranh cử tổng thống với cam kết xây dựng một Sri Lanka “thịnh vượng và tráng lệ”.

Xuất thân là quân nhân, Rajapaksa trước đó chưa từng tham gia chính trị và không vướng vào những cáo buộc tham nhũng như nhiều quan chức khác, giáo sư Jay cho hay.

“Ông ấy luôn biết cách lay động trái tim của người dân và chúng tôi nghe theo”, Karunawathi Karunanayake, 27 tuổi, quản lý cấp cao tại một tập đoàn gia công ở thành phố Wattala, miền tây Sri Lanka, nói.

Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm chính trị là nguyên nhân khiến Tổng thống Rajapaksa đưa ra nhiều quyết sách sai lầm, khiến người dân và đất nước Sri Lanka phải trả giá, giáo sư đại học TIU nhận định.

Người biểu tình bên ngoài phủ Tổng thống ở Colombo, Sri Lanka hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Người biểu tình bên ngoài phủ Tổng thống ở Colombo, Sri Lanka hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Rajapaksa đã quyết định giải thể Bộ Xúc tiến Xuất khẩu, trong khi không quốc gia nào có thể thu ngoại tệ nếu không có xuất khẩu, giáo sư Jay nói.

Ông chỉ ra một trong những sai lầm lớn nhất của Tổng thống Rajapaksa là lệnh cấm nhập khẩu phân bón nhằm tiết kiệm ngoại tệ hồi năm ngoái, bất chấp lời khuyên từ các chuyên gia. Kết quả là nền công nghiệp xuất khẩu chè đứng đầu thế giới của Sri Lanka 2-3 năm về trước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như bị xóa sổ.

Những chính sách sai lầm của Tổng thống Rajapaksa đã đẩy Sri Lanka vào cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Hầu như tất cả 22 triệu dân đều phải gánh chịu những hệ lụy mà khủng hoảng gây ra, khi ngân khố cạn kiệt và đất nước không thể nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Karunanayake cho hay nhiều người dân Sri Lanka đã phải trả giá bằng mạng sống trong cuộc khủng hoảng này.

“Cách đây không lâu, chú tôi bị ngộ độc thực phẩm, cần phải đi bệnh viện gấp, song không gọi được xe cấp cứu vì không còn xăng dầu”, anh kể. “Chú tôi phải đợi hơn 4 tiếng cho đến khi chúng tôi tìm được xăng để đưa ông ấy tới bệnh viện. Ông đã không qua khỏi và qua đời trên đường”.

Sau nhiều tháng sống trong tình cảnh khó khăn, hàng nghìn người Sri Lanka đã đổ ra đường biểu tình, cáo buộc Tổng thống Gotabaya và gia tộc Rajapaksa gây ra khủng hoảng. Họ tràn vào phủ Tổng thống, yêu cầu các lãnh đạo chính phủ từ chức ngay lập tức.

Trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng, ông Rajapaksa phải tháo chạy khỏi đất nước, sau đó gửi email từ chức từ Singapore. Tại Colombo, hàng trăm người đổ ra đường hò reo, nhảy múa và vẫy quốc kỳ sau tin tức này, gọi đây là “chiến thắng cho nền dân chủ”.

Người biểu tình Sri Lanka nhảy múa ăn mừng Tổng thống từ chức

Người biểu tình Sri Lanka nhảy múa ăn mừng Tổng thống từ chức

Người biểu tình Sri Lanka reo hò, nhảy múa trên đường phố thủ đô Colombo tối 14/7 sau khi Tổng thống Rajapaksa gửi email từ chức. Video: Reuters.

Tuy nhiên, người dân Sri Lanka cho biết bầu không khí trên khắp đất nước vẫn vô cùng ngột ngạt, khi quân đội điều xe bọc thép, gia cố rào chắn xung quanh tòa nhà quốc hội và cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực, trong khi người biểu tình tuyên bố tiếp tục tuần hành cho đến khi có chính phủ mới.

Quốc hội Sri Lanka dự kiến bầu tổng thống mới vào ngày 20/7, thay thế quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe, người nhậm chức hôm nay.

“Cả nước vẫn căng thẳng tột độ”, Karunanayake nói. “Ngoài vấn đề an ninh, chúng tôi vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu thốn về mọi mặt”.

Theo Nishan de Mel, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Verite Research, trụ sở ở Colombo, Sri Lanka, các vấn đề gốc rễ gây nên cuộc khủng hoảng vẫn tồn tại cho đến khi đất nước chọn được bộ máy lãnh đạo mới có đủ năng lực và tiến hành những cải cách căn bản nhằm đảm bảo không còn tham nhũng. “Con đường khó khăn đang chờ các lãnh đạo đó”, ông nhận định.

Karunanayake cho rằng tình hình hiện nay của Sri Lanka “thực sự tồi tệ”, nhưng anh vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào thế hệ trẻ, những người đã đứng lên để chống lại quyền lực của gia tộc Rajapaksha.

“Sri Lanka nhất định sẽ vượt qua khủng hoảng”, Karunanayake nhấn mạnh. “Bài học rút ra là chúng tôi cần tỉnh táo hơn khi chọn lãnh đạo mới”.

Đức Trung

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*