Hãng thời trang Trung Quốc Shein bị kiện vì vi phạm bản quyền thiết kế

Chỉ trong vài năm, tập đoàn may mặc khổng lồ Shein của Trung Quốc đã chiếm được phần lớn thị phần trong phân khúc quần áo giá rẻ phục vụ người mua sắm Gen-Z. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, Shein đã gặp không ít khó khăn sau khi vướng vào nhiều vụ lùm xùm ăn cắp bản quyền thiết kế từ các thương hiệu lớn.

Được định giá hơn 100 tỷ USD dưới sự hỗ trợ của các nhà đầu tư tên tuổi như Sequoia Capital China hay General Atlantic, Shein đã chứng kiến đà tăng trưởng bùng nổ. Mức giá hợp lý, mối quan hệ tốt với các KOLs (người có tầm ảnh hưởng) cùng nỗ lực lên mới 6.000 mẫu quần áo mỗi ngày đã giúp Shein làm nên kỳ tích.

Sự nổi tiếng tỷ lệ thuận với số lượng các đơn kiện, cáo buộc Shein đang thu lợi từ “chất xám” của thương hiệu khác. 50 vụ kiện trên khắp các tiểu bang Mỹ đã được đệ trình, cho rằng thương hiệu Trung Quốc này đang vi phạm bản quyền nhãn hiệu.

Phía nguyên đơn bao gồm những nhà thiết kế thời trang lớn nhỏ hoạt động ngoài studio hoặc các đại gia bán lẻ, chẳng hạn như Ralph Lauren Corp hay nhà sản xuất kính râm Oakley. Họ phàn nàn rằng các thiết kế của mình xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông của Shein mà không hề được cho phép.

Hầu hết các đơn kiện đều được Shein dàn xếp ổn thỏa, song khoản tiền bồi thường cụ thể không được tiết lộ. Trong một số trường hợp, Shein đổ lỗi cho các bên cung cấp để trốn tránh trách nhiệm.

Theo WSJ, hồi tháng 3, thương hiệu thời trang Stussy đã kiện Shein với cáo buộc rằng công ty Trung Quốc này đã bán các sản phẩm áo sơ mi và giày mang logo của hãng mà không hề xin phép. Chiếc áo được bày bán trên trang web của Shein với giá 17,67 USD, theo đơn kiện của Stussy. Shein tất nhiên phủ nhận mọi cáo buộc.

Hãng thời trang Trung Quốc Shein bị kiện vì vi phạm bản quyền thiết kế - Ảnh 1.

Shein bán những chiếc áo phông in thiết kế của bà Tiina Menzel

“Chúng tôi không có ý định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ ai và đó không phải là mô hình kinh doanh của chúng tôi”, đại diện Shein cho biết. “Các nhà cung cấp của Shein đều được yêu cầu tuân thủ đúng chính sách của công ty và chứng minh sản phẩm của họ không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và cải thiện quy trình đánh giá sản phẩm của mình’’. Ngoài ra, phía Shein cũng khẳng định, nếu các chủ sở hữu trí tuệ đưa ra các lá đơn khiếu nại hợp pháp, Shein sẽ giải quyết kiện tụng ngay lập tức.

Theo WSJ, các cáo buộc vi phạm bản quyền trong ngành thời trang nhanh không phải là hiếm, khi các nhà bán lẻ luôn phải chịu áp lực duy trì giá bán thấp và không ngừng làm mới sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng các lá đơn kiện chống lại Shein lại nhiều hơn hẳn so với các đối thủ cùng ngành.

“Shein là một trong số những nhà bán lẻ thời trang nhanh bị cho là vi phạm bản quyền thiết kế. Rủi ro từ các vụ kiện này là chi phí kinh doanh sẽ tăng lên’’, Susan Scafidi, Giáo sư thuộc Trường Luật Fordham kiên người sáng lập Học viện Luật Thời trang cho biết.

Hồi tháng 1, Shein còn bị Nirvana, chủ sở hữu bản quyền ban nhạc grunge những năm 1990 kiện với cáo buộc tự ý in tác phẩm nghệ thuật lên trang phục mà không hề xin phép.

Tiina Menzel, một nghệ sĩ người Đức chuyên thiết kế tranh in và nhãn dán, cũng góp ý với Shein nhiều lần sau khi thương hiệu này mang những sản phẩm mang tính nghệ thuật của bà in lên các mẫu áo. Đáp lại, phía Shein cho biết sản phẩm này được cung cấp bởi một nhà sản xuất Trung Quốc, không phải do Shein.

Sau đó, một vài thiết kế khác của bà Menzel tiếp tục xuất hiện trên các sản phẩm của Shein, từ áo phông đến ốp lưng điện thoại. Tổng cộng, Shein đã tự ý sử dụng thiết kế của Tiina Menzel tới 9 lần. Bà chia sẻ rằng mình chưa thuê luật sư vì chi phí khá cao.

Hãng thời trang Trung Quốc Shein bị kiện vì vi phạm bản quyền thiết kế - Ảnh 2.

Shein tận dụng thành công chuỗi cung ứng hàng may mặc phát triển tại Trung Quốc

Theo WSJ, sở dĩ Shein có thể bán hàng nghìn mặt hàng mới mỗi ngày với mức giá rất thấp một phần là do biết cách tận dụng chuỗi cung ứng hàng may mặc phát triển tại Trung Quốc. Các mặt hàng chủ lực như áo phông và quần short thường chỉ có giá 5 USD trở xuống trên trang web.

Bằng cách nhắm mục tiêu tới đối tượng người tiêu dùng phương Tây và nói “không’’ với các cửa hàng truyền thống, Shein trở thành trung tâm của cơn sốt mua sắm trực tuyến. Theo ước tính của Credit Suisse, doanh số bán hàng của công ty tư nhân này đã tăng gấp 6 lần sau 2 năm lên 19 tỷ USD trong năm 2021, gần tương đương với doanh thu mà H&M tạo ra.

Theo: WSJ

3 lý do khiến người nghèo mãi vẫn hoàn nghèo

https://babfx.com/hang-thoi-trang-trung-quoc-shein-bi-kien-vi-vi-pham-ban-quyen-thiet-ke-20220704150539765.chn

Vũ Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*