Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (bên phải) trong cuộc làm việc với ông Alessandro Gelmetti, Giám đốc điều hành Eni Việt Nam |
“Thay áo mới” cho kinh tế địa phương
Nắm bắt lợi thế tự nhiên, Quảng Trị đã và đang đẩy mạnh phát triển các loại hình năng lượng tái tạo gồm điện gió tại khu vực phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời tại khu vực phía Đông, với mục tiêu đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, Quảng Trị hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, Quảng Trị kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” cho kinh tế địa phương trong giai đoạn tiếp theo.
– Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam
Israel có thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo. Chúng tôi không mạnh về hạ tầng nhưng mạnh về công nghệ với nhiều phần mềm thông minh về quản lý và vận hành các dự án năng lượng. Chúng tôi tin rằng, là một quốc gia đang trên con đường trở nên độc lập về năng lượng thông qua các giải pháp tiên tiến về năng lượng tái tạo, Israel sẽ có cơ hội mở cánh cửa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trên hành trình trở thành trung tâm năng lượng miền Trung, theo ông Lê Minh Dương, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam – Đại diện xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng, Quảng Trị cần sớm xem xét cập nhật bổ sung các dự án đã được phê duyệt, hệ thống dẫn khí vào quy hoạch điện lực quốc gia, làm cơ sở để tỉnh triển khai, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
Ngoài ra, địa phương cũng nên thúc đẩy dự án tích hợp khai thác khí nhằm khai khác tối đa nguồn khí trong nước và hạn chế mức giá leo thang hiện nay đối với khí LNG nhập khẩu.
“Ngoài các điều kiện cần và đủ, Quảng Trị cũng không thể xem nhẹ kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, lao động địa phương, lao động tại chỗ có tay nghề, để đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án đã tiên phong đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hiện nay”, ông Lê Minh Dương nói.
Thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư
Những tháng đầu năm 2022, tại Khu kinh tế Ðông Nam Quảng Trị, địa phương cùng với Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc (gồm Công ty cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Ðiện lực Nam Hàn Quốc, Tổng công ty Khí Hàn Quốc) đã khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, sử dụng khí LNG và mỏ khí tự nhiên ngoài khơi để hoạt động.
Tháng 3/2022, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đã đề xuất đầu tư và xin bổ sung Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom – Quảng Trị vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII). Theo đề xuất, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng (tương đương 3,1 tỷ USD); có vị trí cách bờ biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng khoảng 8 km; quy mô công suất 1.000 MW, diện tích nghiên cứu 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tua-bin) 350 ha.
– Ông Luca Dragonetti, Giám đốc điều hành Công ty Eni Việt Nam
Chúng tôi đánh giá cao lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị khi tìm đến Công ty Eni Việt Nam, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và tính chủ động, tiếp cận sớm trong công tác xúc tiến, mời gọi hợp tác đầu tư. Tập đoàn Eni khảo sát và phát hiện mỏ dầu khí Kèn Bầu nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km. Theo ước tính sơ bộ, mỏ có thể chứa 7.000 – 9.000 tỷ feet khối khí đốt và 400 – 500 triệu thùng khí ngưng tụ liên quan… và đây là lý do để chúng tôi đặt nền móng hợp tác với Quảng Trị.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, Quảng Trị có thể trở thành một trung tâm mới về năng lượng sạch của miền Trung, do đây là điểm tiếp nhận khí thiên nhiên từ mỏ Báo Vàng cách đất liền 100 km và trong tương lai không xa là mỏ khí Kèn Bầu có trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay mới được phát hiện cách đất liền Quảng Trị 80 km.
“Gió Tây Nam thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực sản xuất điện gió. Đến năm 2025, Quảng Trị đặt mục tiêu đạt khoảng 5.000 MW điện từ các dự án năng lượng, góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế địa phương”, ông Đồng nhấn mạnh.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, có tới 19 dự án điện gió (khoảng 671 MW), 3 dự án điện mặt trời (127 MW) và 11 dự án thủy điện (167,5 MW) đã được đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này lên 965,6 MW. Ngoài ra, Quảng Trị còn một dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 1.320 MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840 MW và 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW đã được cấp chủ trương đầu tư.
Hiện tại, Quảng Trị đang phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhà đầu tư hoàn thiện các nội dung về vị trí, quy mô kho cảng LNG, xây dựng cảng nhập khẩu LNG đáp ứng quy mô nhà máy; kho chứa; hệ thống truyền tải điện để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia…
Gỡ vướng mắc
Mặc dù liên tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng Quảng Trị vẫn có những trở ngại đáng kể trong việc thu hút đầu tư năng lượng tái tạo. Tại Hội thảo Phát triển các dự án năng lượng tái tạo giữa tỉnh Quảng Trị và các doanh nghiệp đến từ Israel cuối tháng 5/2022, các chuyên gia về năng lượng đã chỉ rõ, tiến độ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió của tỉnh chậm do hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng được nhu cầu giải toả công suất.
– Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc T&T Group
Với việc áp dụng công nghệ tua-bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao đang được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng sau khi vận hành, sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.
Ngoài ra, các dự án nguồn điện phía Tây (điện gió) của Quảng Trị triển khai còn chậm, do lo ngại tính đồng bộ của nguồn phát với các dự án truyền tải, các dự án truyền tải cũng gặp khó khăn trong triển khai do các thủ tục liên quan tới quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng….
Theo ghi nhận từ một số nhà đầu tư điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị, vướng mắc lớn nhất trong đầu tư điện gió ở vùng miền núi là vấn đề giải tỏa công suất phát điện hiện đã được giải quyết. Theo đó, Dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà – Lao Bảo đã hoàn thành.
Ông Hoàng Anh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 bày tỏ, Dự án đang gấp rút triển khai những hạng mục cuối cùng để có thể hòa lưới điện quốc gia, phát điện thương mại. “Dự án có thể bị chậm tiến độ so với cam kết với địa phương do những vướng mắc liên quan đến tuyến đường dây 110kV. Chúng tôi rất mong được tỉnh Quảng Trị vào cuộc, đồng hành gỡ khó để Dự án đảm bảo tiến độ”, ông Sơn đề nghị.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công thương, Quảng Trị rất quan tâm đến hợp tác các lĩnh vực phát triển năng lượng xanh như: đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ xanh để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; các động cơ điện dùng công nghệ mới sao cho hiệu suất động cơ điện cao hơn, nguồn tích trữ năng lượng tốt hơn…
Để lại một phản hồi